Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác Trung Hoa, được cho là tác phẩm của Ngô Thừa Ân, một tác giả sống vào thời nhà Minh. Tây Du Ký kể câu chuyện phiêu lưu, sang Tây phương thỉnh kinh lấy cảm hứng từ chuyến đi có thật của nhà sư Huyền Trang (602-664). Tác phẩm mang đậm màu sắc hư cấu với yếu tố thần tiên, phép thuật.
Ngô Thừa Ân chủ yếu mượn câu chuyện thỉnh kinh để thể hiện quan điểm về xã hội đương thời, song song đó là hành trình tu dưỡng tâm tính của 5 thầy trò: Đường Tam Tạng (Huyền Trang), Tôn Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã (vốn là Tam Thái Tử Quảng Tấn của Tây Hải Long Cung hóa thành).
Sự hấp dẫn trong câu chuyện và nhân vật đã khiến Tây Du Ký là tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất với vô số phiên bản phim, phim hoạt hình, game… Nhưng quen thuộc và gắn bó nhất với khán giả Việt Nam đó là bản phim truyền hình Tây Du Ký năm 1986.
Tây Du Ký 1986 thành công nhờ tạo hình nhân vật gần gũi vừa mắt, dàn diễn viên sở hữu kỹ năng diễn xuất lẫn thần thái thoát tục cần có cho những vai thần phật, Bồ Tát, Tam Tạng… cũng như kỹ năng nhập vai khỉ của Lục Tiểu Linh Đồng. Xét về nội dung thì tạm chấp nhận được trong khả năng truyền tải một câu chuyện phiêu lưu, còn nội hàm thâm sâu thể hiện trong bộ tiểu thuyết đồ sộ của Ngô Thừa Ân thì khó mà đưa lên hết được, cũng là điều khó trách.
Thế nên, nếu đã yêu Tây Du Ký bản truyền hình và bắt đầu quan tâm tới một số khía cạnh gợi mở trong câu chuyện, khán giả nên dành thời gian đọc thử tác phẩm sách, để thấy những gì thể hiện trên phim chỉ là khoảng 10% của tác phẩm gốc. Tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từ lâu được xem là tác phẩm mang màu sắc Phật giáo, thế nhưng bản thân Phật giáo là một tôn giáo có lịch sử lâu đời và phức tạp và khi được truyền tải qua phim ảnh còn gây hoang mang hơn.
Thế nên, thông qua bài viết này, Gấu Mèo xin được break-down một số điểm quan trọng mà độc giả cần biết để có thể tiếp cận với Tây Du Ký, dù là bản phim hay sách, đều tránh được những bối rối và hiểu lầm phổ biến.
Mạn đàm: Tức trao đổi ý kiến một cách nhẹ nhàng và thoải mái về một vấn đề. Những chia sẻ dưới đây là từ quá trình đọc, nghiên cứu nghiệp dư của người viết. Nếu có sai sót, xin độc giả nhẹ nhàng đóng góp.
Vị trí của Phật giáo trong Tây Du Ký
Điều đầu tiên người xem cần biết đó là Phật giáo ở Trung Quốc có vị trí như thế nào và từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh của nó ra sao trong tác phẩm. Trong Tây Du Ký tồn tại hai thế lực là Đạo giáo và Phật giáo. Đạo giáo là tôn giáo đặc hữu của Trung Quốc có từ TK4 TCN, Phật giáo là ngoại nhập, tiến vào Trung Quốc từ TK2 CN và hòa nhập với Đạo giáo cũng như hệ thống tư tưởng Nho giáo của Khổng.
Trong Tây Du Ký có đề cập đến mâu thuẫn giữa những người mang tư tưởng Nho giáo truyền thống với phương pháp hành đạo Phật giáo. Ở hồi thứ 12, sau khi vua Đường du hành xuống âm phủ, bắt đầu phát lòng thành chăm lo việc phật, sai quan thái thừa Phó Dịch lo chuyện kén cao tăng thì người này từ chối gay gắt:
“Cái đạo của nước Tây Vực không có vua tôi cha con, lấy ba đường sáu đạo, lừa đối người ngu xuẩn, truy những tội đã qua, rình những phúc sắp đến, miệng đọc tiếng phạn để mong trốn thuế vua. Vả chăng sống chết thọ yểu vốn là tự nhiên; hình, đức, oai, phúc do ở đức của vua mà ra.
Nay nghe thấy những bọn thô tục cái gì cũng bảo do Phật. Từ năm đời đế đến ba đời vương chưa có đạo Phật. Vua sáng, tôi trung ngôi báu được dài lâu. Đến đời Hán Minh Đế mới tôn thân rợ Hồ. Nhưng chỉ có bọn sư sãi Tây Vực tự tuyên truyền giáo pháp của họ sang. Thật là mọi rợ đã phạm vào Trung Quốc, không đáng tin thờ”
“…Phó Dịch cãi lẽ với Tiêu Vũ, nói là lễ gốc ở việc thờ vua, thờ cha, mà Phật thì xuất gia quên bố mẹ đem kẻ thất phu chống với thiên tử, lấy thân mình mà bội bạc với cha mẹ. Tiêu Vũ chừng ở lỗ nẻ chui lên mới theo cái đạo không có bố, thật những kẻ bất hiếu thì không biết có cha mẹ”.
Sau vua cho truyền 2 quan là Trương Đạo Nguyên và Trương Sĩ Hành vào hỏi ý kiến, hai người này tâu rằng:
Thờ Phật cốt để thanh tịnh nhân thứ, nhân quả thì chính, phật pháp thì không. Vua Vũ Đế nhà Chu đem tam giáo chia ra thứ tự ; đức Đại Tuệ thuyền sư có tài tán u viễn, chúng sinh cúng ràng, thấy đều hiển linh; năm vị tổ sư đi đầu thai, đức Đạt Ma hiện chân tướng; từ trước tới nay đều nói đạo, tam giáo rất đáng tôn mà không được phỉ báng, không được bỏ. Cúi xin bệ hạ thánh minh xét đoán.
Từ đó cho thấy, Phật giáo trong Tây Du Ký được xem trọng ở khả năng thuyết pháp dạy bảo con người tu dưỡng tâm tính, làm điều thiện, ngăn điều ác, có lợi cho quốc gia, bởi dân biết sợ nhân quả mà không dám gây chuyện bạo loạn chém giết thì quốc gia ấy mới hưởng thái bình.
Chính vì hòa nhập với tôn giáo đặc hữu Trung Quốc (tam giáo đồng nguyên), nên trong Tây Du Ký ta thấy có Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các thần tiên trên thiên đình đại diện cho Đạo giáo. Ở Tây phương, núi Linh Sơn thì được xem là cõi Phật, nơi trú ngụ của Như Lai Phật Tổ cùng các vị Bồ Tát cũng như hệ thống môn đồ Phật giáo. Tuy ngự trị hai cõi khác nhau, nhưng khi có việc thì vẫn hỗ trợ lẫn nhau, đơn cử là hồi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cũng, Ngọc Hoàng đã cầu cứu Như Lai.
Có nhiều người (và thậm chí các bài báo mang tính giải trí) nói rằng trong Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân nâng tầm Đạo giáo, cho Phật giáo “lép vế” hơn vì Như Lai đến giúp Ngọc Hoàng mà còn nói “vâng lệnh Ngọc Hoàng”, khác nào xem Ngọc Hoàng là bề trên. Theo Gấu Mèo, không nên áp đặt tư tưởng bên nào “lép vế” hơn vì mỗi đạo đều có hệ thống riêng và tư tưởng khác biệt.
Trong Phật giáo không có tư tưởng vua tôi mà Như Lai đóng vai trò là người thầy tinh thần, giảng pháp cho môn đồ đang trên đường tiến tới giác ngộ hơn là một “người sếp”. Khi sang phương Đông, đến thiên đình với hệ thống cấp bậc vua tôi, quan lại, người hầu, Như Lai nhập gia tùy tục và trong lúc Ngọc Hoàng tạ ơn mới khiêm tốn “chỉ là vâng lệnh”.
Vũ trụ trong Tây Du Ký
Có một điểm mà Gấu Mèo khá bối rối nên muốn trình bày rõ ở đây, đó là Phật giáo trong Tây Du Ký rõ ràng Phật giáo Đại thừa xét theo các đặc điểm như vị trí, hệ thống thần tiên. Thế nhưng ở chương đầu, tác giả lại mô tả một thế giới khá giống với vũ trụ quan Tiểu Thừa, được mô tả trong cuốn “Vũ trụ quan Phật giáo” của Akira Sadakata. Theo Tiểu thừa, thế giới là ngọn núi Tu-di làm trụ, bao quanh là 4 châu lục, vành thế giới được bao quanh bằng một bức tường kim loại để nước không tràn ra ngoài hư không.
Nhớ từ đời Bàn Cổ mở mang, đời Tam Hoàng cai trị, đời Ngũ Đế định ra nhân luân, toàn thế giới mới chia ra làm 4 châu (lục địa) lớn: 1. Đông Thắng Thần châu 2. Tây Ngưu Hạ châu 3. Nam Thiệm Bộ châu 4. Bắc Câu Lư châu.
Miêu tả về việc Ngộ Không đóng bè lênh đênh qua hai biển cũng trùng khớp với vũ trụ quan Tiểu thừa, trong đó 4 châu cách nhau bởi 4 biển. Trong truyện (vốn dựa theo ghi chép của nhà sư Huyền Trang) cũng ấn định Trung Quốc là đất nước thuộc Đông Thắng Thần châu, Tôn Ngộ Không là dân nước Ngạo Lai, cũng thuộc châu lục phía Đông ấy.
Như Lai Phật Tổ trong Tây Du Ký là ai?
Như đã nói ở trên, Phật giáo trong Tây Du Ký là Phật giáo Đại thừa, nên hình tượng Phật Tổ có phần khác với Tiểu thừa cũng như hiểu biết phổ thông về đức Phật. Đối với Tiểu thừa, Phật Tổ là một nhân vật lịch sử, là đức Thích Ca Mâu Ni, tức thái tử Tất-đạt-đa trước khi ngài xuất gia. Trong tư tưởng Tiểu thừa, Thích Ca Mâu Ni là một nhân vật lịch sử và ngài đã qua đời năm 80 tuổi, ngài không còn nữa. “Do thời gian và khoảng cách giữa đức Phật và các tín đồ gia tăng qua nhiều thế kỷ sau khi Ngài tịch diệt, nên họ đã có khuynh hướng thần thánh hóa ngài” (trích “Vũ trụ quan Phật giáo – Akira Sadakata”)
Còn trong Phật giáo Đại thừa mà Ngô Thừa Ân phản ánh trong Tây Du Ký, đức Phật đồng hóa với vũ trụ, Ngài chính là vũ trụ, tồn tại trường cửu chứ không xuất hiện và diệt độ trong vũ trụ như quan điểm Tiểu thừa. Thế nên khi Như Lai đến thu phục Ngộ Không và nắm nó trong lòng bàn tay, Ngộ Không tuy một bước đằng vân 108.000 dặm, đến thẳng Linh Sơn, nhưng hóa ra vẫn nằm trong tay Như Lai, tức mọi chuyện đều không thoát khỏi bàn tay sắp đặt của Phật Tổ/vũ trụ.
Thế nên, Đức Phật trong Tây Du Ký không rõ là vị Phật nào, không chắc đó là Thích Ca Mâu Ni. Bởi nguyên lý cơ bản của Đại thừa đó là có vô lượng chư Phật đang đồng thời hiện hữu trong vũ trụ này, Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ là một hiện niệm của Ngài trên cõi Ta Bà. Nếu giác ngộ thành Phật thì sẽ được tái sinh thoát khỏi xác phàm và được đến cõi Phật (và có vô vàn trăm triệu cõi nước Phật). Ta chỉ biết trong Tây Du Ký gọi Phật là Như Lai (một danh xưng, tức Người đã đến từ cõi chân như), là Đấng Thế Tôn theo lời các môn đồ.
Bài viết đến đây là hết, hy vọng giải đáp được một số thắc mắc của độc giả. Thời gian tới mời các bạn đón đọc thêm các bài viết khác trong khuôn khổ loạt bài Tây Du Ký.