Cảnh báo: bài viết có tiết lộ tình tiết quan trọng của phim bao gồm đoạn kết và plot twist. Độc giả cân nhắc trước khi xem.
Đọc thêm phần 2: Những cảnh phim kinh điển in đậm dấu ấn trong lịch sử điện ảnh (Phần 2)
1. The Shawshank Redemption (1994) – Cuộc đào thoát của Andy
Nhà tù Shawshank dường như là tượng đài của điện ảnh thế giới, đến nay chưa có bộ phim nào đánh bật được vị trí số 1 của nó dù đã ra mắt gần 25 năm.
Nhắc đến một trong những cảnh phim kinh điển của giới điện ảnh, chắc chắn chúng ta phải đề cập tới cảnh phim này: cuộc đào thoát vĩ đại của Andy Dufresne sau gần 2 thập kỷ chịu oan sai. Anh phải lội qua một đường cống hôi thối, vừa bò vừa nôn, nhưng anh không dừng lại. Khi ra được đến bên ngoài., Andy vội vã cởi chiếc áo tù, đứng dang tay hứng những giọt mưa đầu tiên của tự do.
Phải thử chịu trói buộc chốn lao tù suốt ngần ấy năm mới hiểu được cảm giác của Andy khi lần đầu được đứng dưới bầu trời mưa tuôn của cuộc sống thật, không khí thật và mùi vị thật.
2. Jaw (1975) – ‘Anh cần một con thuyền lớn hơn’
Jaws (1975) của đạo diễn Steven Spielberg là cú hit phòng vé năm 1975, tạo nên định nghĩa phim bom tấn cũng như đòi hỏi về thành công ở một bộ phim.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất chỉ nhìn vào doanh thu mà quên mất rằng, điều khiến Jaws thành công và trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng đó là cách kể chuyện đầy lôi cuốn của nó. Có gì đó rất duyên dáng lẫn hài hước trong cách con cá mập khổng lồ ngoi lên mặt nước đớp mồi và Brody chưng hửng, chuyển sang kinh hãi, lùi vào trong khoang thuyền, “You gonna need a bigger boat”.
Nhắc đến Jaws, chắc chắn ai cũng nhớ đến cảnh phim này.
3. Inglorious Basterds (2009) – Đấu súng trong quán rượu
Cảnh đấu súng tại quán rượu trong Inglorious Basterds mang đậm dấu ấn bạo lực theo kiểu Quentin. Các nhân vật có đoạn đối thoại dường như điềm đạm trên bàn, nhưng dưới bàn là những họng súng chĩa vào nhau. Ở đây họ đùa giỡn với sự căng thẳng của khán giả: xác định không gian, nhân vật, xung đột chính dần đẩy lên, đẩy lên… cho đến khi bạn không dám nhìn tiếp diễn biến như thế nào dù đã biết chắc.
4. Dead Poet Society (1989) – O Captain, my Captain!
Câu lạc bộ thi ca được xem là “Bài thơ nghề giáo” tiêu biểu vì nhân vật chính – thầy giáo Keating là hình mẫu mang tính “nổi loạn” trong môi trường sư phạm.
Thầy tự gọi mình là “Captain” và lối dạy học trứ danh cho phép học sinh được đứng trên bàn học đã khiến những học sinh ngỗ ngược yêu quý thầy từ khi nào không biết. Vì một sự cố nghiêm trọng mà Keating bị đổ oan và buộc thôi việc, điều này gây ra bất mãn trong lớp học và chúng ta có cảnh từ biệt cảm động.
Một số nam sinh đứng lên bàn, mặc cho giáo viên mới ra lệnh ngồi xuống, chúng hô vang vài thơ O Captain, my Captain! của Walt Whitman. Đó là bài thơ tiễn đưa tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.
5. IT (2017) – Cái chết của George Denbrough
IT dụ dỗ Georgie ở miệng cống cũng là phân cảnh kinh điển từ bản phim 1990. Bản remake 2017 cũng đã lột tả thành công cái chết của George Denbrough, không chỉ kinh hãi mà còn đau lòng, đầy cảm xúc.
Sự tương phản giữa màu vàng chói lóa của chiếc áo mưa trên nền trời xám xịt, sự ngây thơ dẫn đến mạng sống bị đánh đổi cùng tiếng thét nhói lòng của cậu bé khiến cảnh phim ám ảnh và lôi cuốn người xem đến cùng cực.
6. The Silence Of The Lambs (1991) – Đối thoại giữa Clarice Starling và Hannibal
Đoạn đối thoại diễn ra giữa điệp vụ Clarice Starling cùng giáo sư ăn thịt người Hannibal lúc này đã bị giam giữ 8 hơn năm. Clarice đã mắc sai lầm khi cho Hannibal biết về đời tư của mình, tạo tiền đề để ông đánh gục tâm trí cô bằng những câu hỏi liên tục liên quan đến giấc mơ với tiếng thét bầy cừu của Clarice.
Góc quay cận mặt 2 diễn viên chính, tập trung vào khẩu hình, ánh mắt cùng giọng nói đanh thép gây ám ảnh của Hannibal tạo nên phân đoạn đầy căng thẳng, bức bối.
7. Alien (1979) – Chestburster
Không cần phải nói gì thêm, cảnh phim quá quen thuộc với dân mê điện ảnh dù đã từng hoặc chưa xem bộ phim, bởi tình tiết này được đề cập rất nhiều trong văn hóa đại chúng.
Dân mạng thích cảnh này và thường xuyên nhái lại một cách hài hước.
8. Schindler’s List – “Tôi đã có thể cứu thêm một người…”
Bộ phim quay theo phong cách trắng đen kể về cuộc đời Oskar Schindler (Liam Neeson) – doanh nhân người Đức đã cứu mạng hàng ngàn người Do Thái vào thời Thế Chiến. Thật sự trong quá trình đó ông không hề biết ý nghĩa việc làm của mình, cho đến cuối phim. Nhờ vậy ta mới có cái kết đắt giá lấy đi nước mắt của bao người:
“Cái xe này. Goeth sẽ chịu mua cái xe này. Tại sao tôi còn giữ nó. 10 người có thể được cứu. 10 người. 10 người nữa. Cái ghim này. Thêm được 2 người. Nó bằng vàng. Thêm được 2 người nữa. Hắn sẽ đổi 2 mạng người vì cái ghim này, hoặc ít nhất là 1. Một người. Một người nữa. Là con người đấy Stern. Vì cái này.”
9. Schindler’s List – Cô bé áo đỏ
Cách sử dụng màu đỏ này sẽ còn được nhắc mãi trong lịch sử điện ảnh. Từ rất lâu rồi, các đạo diễn đã vận dụng màu sắc để truyền tải thông điệp. Cảnh phim này trong Schindler’s List sẽ không có tác động tương đương đến người xem nếu sử dụng màu xanh biển hay bất cứ màu gì khác.
Toàn bộ phim được quay trắng đen nhưng riêng chiếc áo đỏ của cô bé được giữ lại nổi bật, đó là biểu tượng của sức sống còn căng tràn, ngây thơ duy nhất giữa không khí chết chóc của trại tập trung. Một lát sau màu áo đỏ ấy cũng nhạt nhòa nằm trong đống xác người được đẩy ra từ phòng hơi ngạt.
10. Psycho (1960) – Cảnh buồng tắm
Phân đoạn này phải làm lại 78 lần và mất 7 ngày để quay bởi vì mọi thứ thuộc về nó phải thật hoàn hảo. Nhờ vậy chúng ta có cảnh phim kinh điển nhất mọi thời đại, khiến việc tắm bồn trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết.
Trong cảnh này, khán giả không tực sự nhìn thấy Marion bị đâm nhiều nhát như thế nào, ngoại trừ một nhát chớp nhoáng. Chính những thứ không xuất hiện trên màn ảnh đó lại khiến khán giả kinh hãi hơn, nhà làm phim để cho tâm trí người xem tự điền vào chỗ trống và trí tưởng tượng của họ mới là nơi khủng khiếp nhất. Thủ thuật này được nhiều nhà làm phim áp dụng và nó luôn hiệu quả.