John Singer Sargent là ai?
John Singer Sargent (1856-1925) là họa sĩ người Mỹ nổi tiếng với tài vẽ chân dung, ông vẽ người hay thế nào thì nhìn vào bạn sẽ biết mà không cần phân tích chuyên môn. Ông giỏi nắm bắt đường nét con người, nét cọ phóng khoáng nhưng màu sắc cẩn mật. Được biết, Sargent cực khó tính với mẫu vẽ, luôn cố đảm bảo trung thực với màu sắc, bố cục trước mắt.
Nói là người Mỹ chứ thật ra cả đời ông sống ở châu Âu, ba mẹ ông là người Mỹ và di cư tới Pháp, nên John sinh ra tại Florence và sau đó sang Anh, từ đây sự nghiệp thăng hoa hơn. Lý do ông chạy sang London cũng vì một scandal liên quan tới bức chân dung mà ngày nay đã thành bất tử: Chân dung Madame X.
Thoạt nhìn bức chân dung chẳng có vẻ gì đáng chê cả, có chăng người nhìn sẽ nhận ra nó mang hơi thở hiện đại hơn so với thời đó. Hoặc làn da quý cô trắng gì mà trắng thế, tới mức xanh xao, đối lập nghiệt ngã với bộ đầm đen và cảnh nền tối màu, tạo cảm giác lạnh lẽo, bí ẩn. Nhưng dù sao nó vẫn là bức họa đẹp. Thế nhưng, Madame X đã phòng tranh Paris rung lắc. Người ta nói, hồi bức tranh mới được trưng bày, bạn có thể nghe thiên hạ chửi đủ 7749 từ có trong tự điển.
Ngày xưa, John Singer Sargent đặt tên bức tranh là “Madame…” nhằm giấu tên người mẫu, nhưng dân chúng vẫn nhận ra. Còn ai vào đây nữa, chính là Virginie Avegno Gautreau – người đẹp nức tiếng lẫn tai tiếng trong giới thượng lưu Paris.
Bức tranh tai hại kéo tất cả xuống vực
Cha của Virginie, Anatole Avegno là thiếu tá đội quân các bang phía Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ và đã hy sinh trong trận Shiloh năm 1862. Khi ấy Virginie Avegno 8 tuổi được mẹ dắt về Paris, học hành và bắt đầu con đường tiến thân vào giới thượng lưu. Điều ấy thật ra cũng chẳng khó khăn gì khi Avegno có nhan sắc kiều nhiêu với gương mặt như phù điêu Cameo, đường nét thân thể như tượng Canova sống dậy, ăn mặc thời trang và phong cách thanh nhã. Cô ý thức được mọi người ngưỡng mộ mình vì điều gì nên tận dụng tối đa vốn liếng trời ban.
Virginie Avegno leo lên nấc thang xã hội bằng nhan sắc. Cô cưới Pierre Gautreau là chủ nhà băng và ông trùm vận tải biển. Ở độ tuổi xuân thắm nhất nhưng người chồng lớn gấp đôi tuổi Avegno không thể cho cô một tình yêu nồng nhiệt thanh niên, thế nên người đẹp nhanh chóng sa vào những mối tình ngoài luồng, vốn là đề tài buôn chuyện trong vòng tròn giới quý tộc Pháp bấy giờ. Trong số các nhân tình của Avegno có bác sĩ Pozzi, người mà John Singer Sargent từng vẽ chân dung. Thông qua Pozzi, Sargent mới có cơ hội tiếp xúc Avegno.
John Singer Sargent lúc ấy đã được chú ý về tài hội họa và thường được giới quý tộc đặt vẽ tranh. Thế nhưng, ông có tham vọng lớn hơn và cần một cú hích mạnh hơn để được leo lên tầng lớp cao. Đó là lúc Sargent nghĩ mình cần Avegno Gautreau. Cả hai bên suy tính và xét rằng đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Gautreau cần tài năng của Sargent để vẻ đẹp của mình trường cửu, còn đối với Sargent, một người đẹp thượng lưu như Gautreau xuất hiện trong tranh là bàn đạp danh vọng, sự nghiệp trên đất Paris.
Cơ mà cô mẫu này cũng khó nhằng. Cũng phải thôi, trừ phi là quý tộc đặt hàng vẽ tranh, thì việc phải ngồi đơ hàng tiếng đồng hồ làm mẫu không phải chuyện danh giá gì. Nên Avegno Gatreau cứ nhấp nha nhấp nhổm, không thể ngồi yên mà thể nào cũng trượt dài ra ghế, chưa kể lịch trình giao thiệp dày đặt cắt ngang buổi vẽ.
Bức tranh được thực hiện tại nhà nghỉ mát của Gautreau ở Brittany và John Singer Sargent phải tới đó một thời gian. Trong bức thư phản hồi người bạn nhà văn Vernon Lee, Sargent viết: “Thư của cậu vừa tới tay tôi, hiện còn đang kẹt ở ngôi nhà nông thôn này với mỹ nhân không ai vẽ được, lại còn lười hết thuốc chữa”.
Một điều khiến Sargent khó chịu nữa, là lớp phấn Virginie bôi hằng ngày. Không giống những phụ nữ Pháp khác, vốn ít phấn son mà chủ trương tôn vinh nét đẹp tự nhiên, Virginie dùng phấn lavender tím tím để làm nổi bật tông da của mình, vốn đã trắng nay lại còn lóa hơn. Mỗi ngày chỉ một lượng xíu xiu phấn thay đổi thôi da Gautreau cũng khác và Sargent nhìn ra được. Ông này cực kỳ chấp niệm với mẫu vẽ và đòi hỏi tính chính xác từng li từng tí. Ổng thà ngâm tranh cho qua mùa đông để sang năm vẽ cảnh mùa hè tiếp chứ nhất quyết không vẽ theo hình dung trong đầu.
Sau nhiều bản phác thảo và nỗ lực hoàn thiện, bức tranh cuối cùng cũng hoàn tất và được trưng bày tại Paris Salon năm 1884. Theo cách dùng ngôn ngữ hiện đại, có thể nói là “flop sấp mặt”, đi ngược với mọi dự tính của người trong cuộc. Giới thượng lưu Paris chê cười Gautreau lẫn Sargent. Các nhà phê bình bắt đầu biên bài “Sargent năm nay rớt xuống một tầng mây thấp hơn”. Tư thế mẫu khiêng cưỡng, làn da xanh xao khó hiểu, phô trương mà nông cạn. Tất cả mọi thứ về bức tranh Madame X đều quá sức tưởng tượng trong quan niệm thời bấy giờ.
Cũng phải nói thêm, bản gốc chân dung Madame X năm 1884, Sargent vẽ sợ dây áo của Gautreau rơi xuống lả lơi bên vai, chi tiết chết người nhất trong cả tác phẩm. Gautreau không phải nữ thần, nữ anh hùng để thể hiện bản thân trong váy áo hở hang được. Bộ váy cô mặc cổ kẻ quá sâu, phô bày làn da trắng mịn, kéo dài đến chiếc cổ đang nghiêng về một bên, căng đét như đón chờ một nụ hôn. Đối với phụ nữ đã có chồng như Gautreau, thực hiện bức tranh trong tư thế như vậy thật là thiếu đứng đắn. Gautreau là đồ lả lơi và Sargent vẽ tranh cho một phụ nữ lả lơi thì cũng tệ không kém.
Đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, Sargent buộc phải vẽ lại phần dây áo, nhưng cũng không dập tắt được thị phi vì đơn giản, tất cả mọi thứ về bức tranh đều sai trong mắt xã hội bấy giờ. Tàn cuộc, Gautreau rút khỏi vòng tròn thượng lưu Paris, lui về ngôi nhà ngoại ô Brittany. Còn Sargent bay sang Anh quốc, nơi ông thành công hơn trong sự nghiệp vẽ chân dung. Ông nhận đặt hàng từ một loạt nhân vật giới tinh hoa như Lady Helen Vincent, Countess of Essex, Duchess of Sutherland, Miss Elsie Palmer…v.v.
Sargent giữ bức Chân dung Madame X cho đến năm 1905 thì cho trưng bày tại nhiều triển lãm quốc tế cho đến năm 1916 thì bán cho bảo tàng Metropolitan, nơi quý cô X nương náu đến tận ngày nay. Về phần Gautreau, bà vẫn tiếp tục làm mẫu vẽ cho vài bức chân dung nữa, do Antonio de La Gandara và Gustave Courtois thực hiện, trong đó chiếc dây áo vẫn trễ xuống nhưng không còn gây náo loạn như năm xưa nữa.
Nhưng những bức tranh đó cho đến nay đều không nổi tiếng bằng Madame X của John Singer Sargent. Có thể nói Paris năm 1884 chưa sẵn sàng cho kiệt tác này. Thế hệ sau ngưỡng mộ Madame X của Sargent bởi nét thanh thoát toát ra từ dáng hình người phụ nữ, lẫn bút pháp điêu luyện. Có lẽ Gautreau và Sargent ít nhiều đã đạt được điều mình muốn, ông là họa sĩ lưu danh hậu thế còn vẻ đẹp của bà đã trở thành bất tử.