Lý giải phim ‘Nope’: Một tác phẩm đầy tham vọng của Jordan Peele

nope-jordan-peele
(Ảnh minh họa: Nope)

Nope là tựa phim hybrid genre của Jordan Peele, nó có thể được xem là đại diện tiêu biểu cho thể loại Sci-Fi Horror (sub-genre của cả khoa học viễn tưởng và kinh dị), đồng thời pha trộn yếu tố neo-Western lẫn hơi hướm Cosmic Horror (và đây là lý do mà khi xem phim mình từng nghĩ thầm trong bụng rằng nếu H. P. Lovecraft có đội mồ dậy thì cũng sẽ thích phim Nope).

Mình cho rằng Nope trở nên thú vị và đáng xem vì ba lý do chính. Thứ nhất, nó phá vỡ motif thường thấy khi truyền thông và điện ảnh trình bày về chủ đề người ngoài hành tinh hoặc UFO. Thứ hai, nó tri ân và chế nhạo đúng chỗ các khía cạnh của Hollywood nói riêng và cả Giấc mơ Mỹ nói chung. Thứ ba, phim có kịch bản gốc tốt với những pha xử lý tình huống tinh tế và các chi tiết tham khảo hay ho.

Tất nhiên mình đã xem hầu hết phim của Jordan Peele và cho rằng đây là tựa phim rất mạo hiểm của ông, vì sẽ có nhiều người không thích những gì ông trình bày trong bộ phim này. Vị đạo diễn 43 tuổi cũng đã chia sẻ rằng: “Từ góc độ điện ảnh, cho đến nay đây là tựa phim tham vọng nhất của tôi.“, thế nên bên cạnh việc nói lên tiếng nói công bình dành cho người da màu hoặc châm biếm thực trạng xã hội thông qua phim kinh dị, Nope cũng có những bất ngờ thú vị khác dành cho khán giả.

Mặc dù kịch bản và sự phá cách trong khi thể hiện một chủ đề quen thuộc của Nope có thể chia rẽ cả cộng đồng người xem phổ thông và giới phê bình, thì hầu hết các ý kiến đánh giá đều ca ngợi đạo diễn, diễn xuất và kỹ thuật quay phim, người cầm máy quay là Hoyte van Hoytema – nhà quay phim bậc thầy đã nổi tiếng với những tác phẩm lớn như Dunkirk, Interstellar, Tenet…

Trong bài viết này mình sẽ tổng hợp các chi tiết hay, cũng như lý giải vài khía cạnh đáng lưu tâm dưới góc nhìn của các nhân vật. Nếu mọi người thu thập thêm được những điều hay khác thì hãy inbox chia sẻ với mình thông qua trang Gấu Mèo Thức Khuya.

Chủ đề chính của phim Nope

horse-in-motion

Xin nhắc lại Nope là phim kinh dị khoa học viễn tưởng khai thác đề tài UFO và sinh vật ngoài hành tinh, nhưng Jordan Peele đã thể hiện con quái vật theo cách tinh tế mà không ai ngờ đến nhất. Thông qua đó, phim Nope nói về “spectacle” (cảnh tượng, sự trình diễn hoặc biểu diễn) và đi kèm với nó là “exploitation” (sự lạm dụng, lợi dụng) giữa người với người thông qua điện ảnh, truyền thông hoặc kịch nghệ, rộng ra là trong cả cuộc sống.

Vì mưu cầu hạnh phúc của bản thân, cố nắm lấy cơ hội để được thịnh vượng và thành công, con người có thể bất chấp thủ đoạn để vùi dập kẻ khác. Đó là mặt trái của Giấc mơ Mỹ mà tựa phim Nope châm biếm và bản chất của nó chính là sự bất công. Phim được dẫn dắt bởi một trong những ý niệm đầu tiên đặt nền móng cho điện ảnh thông qua “bức tranh chuyển động Horse in Motion” mang tính cách mạng được tạo ra bởi nhiếp ảnh gia người Anh Eadweard Muybridge vào năm 1878, nhiều ý kiến cho rằng nó chính là phim điện ảnh đầu tiên cũng không sai.

horse-in-motion-nope-movie-explain

“Bức tranh chuyển động” có thời lượng vỏn vẹn 2 giây cho thấy một người da màu cưỡi ngựa, nó rất nổi tiếng, nhưng người ta chỉ biết tới tên và ghi công bậc thầy nhiếp ảnh da trắng Eadweard Muybridge, còn danh tính người diễn viên da màu thì vẫn chưa thực sự được làm rõ. Đó chính là ví dụ đầu tiên cho hiện tượng lợi dụng thông qua trình diễn. Sự lợi dụng này chỉ ngày càng to lớn hơn và tinh vi hơn cùng với đà phát triển của kịch nghệ và điện ảnh, mà hiện thân vật lý của nó trong phim chính con quái vật UFO nuốt chửng mọi thứ.

Phim Nope vừa chỉ ra vấn nạn xóa bỏ những đóng góp của người da đen trong ngành công nghiệp mà người da trắng nắm trùm, vừa phê phán chính thị hiếu và thói quen thưởng thức của khán giả. Chúng ta thường không thể cưỡng lại được và luôn muốn xem những thứ kịch tính, nhưng dễ quên đi bản chất của sự trình diễn vốn là dàn dựng, từ đó vô tình tiếp tay cho sự lạm dụng phía sau hậu đài.

Hai anh em nhà Haywood

nope-haywoods
(Ảnh minh họa: Nope)

OJ Haywood và Emerald Haywood mất cha theo cách rất vô duyên, một mớ hỗn tạp các thứ ve chai bao gồm các đồng xu rơi xuống từ trên trời đã giết chết ông Otis Haywood. Ban đầu OJ cho rằng cha mình kém may mắn khi bị rác thải máy bay rơi trúng cho đến khi anh khám phá ra sự thật về con quái UFO (hay UAP – theo cách gọi mới) lơ lửng giữa đám mây phía trên trang trại nhà anh, thuộc khu vực thung lũng Agua Dulce, California.

Cái chết của ông Otis Haywood khiến OJ kế thừa một cách chật vật di sản của gia đình, anh ta là người kiệm lời và không có khả năng giao tiếp hiệu quả. Ngược lại, cô em Emerald thì tháo vát hơn nhiều nhưng cô không tin rằng “trang trại dạy ngựa duy nhất được điều hành bởi người da màu ở Hollywood” của gia đình cô có thể kinh doanh thuận lợi. Nhìn chung hai anh em có quan điểm và tính cách trái ngược, nhưng họ vẫn có mối liên kết sâu sắc và cùng hợp tác để thực hiện “cảnh quay bất khả thi” (impossible shot) nhằm vạch trần con quái UFO.

Nhà Haywood còn gọi những cảnh quay mà họ nhắm đến là “the Oprah shot” – tức cảnh quay đủ hot để giật tít trên các kênh truyền thông nổi tiếng như website hoặc talk show của Oprah Winfrey chẳng hạn, từ đó mang về danh vọng và tiền bạc cho họ. Đây là chi tiết xoáy vào bản chất các nhân vật cũng như của ngành công nghiệp điện ảnh với sản phẩm bao gồm các phim thương mại (Exploitation film), bất kể họ có dấn thân vì lý tưởng nào đi nữa thì bên cạnh đó vẫn cứ phải tư lợi vì tham vọng của bản thân, “người không vì mình trời tru đất diệt” mà.

Lưu ý, OJ và Emerald tự nhận mình là cháu chắt chút chít của người kỵ sĩ cưỡi ngựa trong đoạn phim của Eadweard Muybridge, cho rằng ông ta tên là Alistair Haywood. Đây là một chi tiết hư cấu, ngoài đời thật người ta có ghi nhận con ngựa trong bức tranh chuyển động Horse in Motion tên là Gardner, trong khi tên người kỵ sĩ da màu chưa thể xác định và manh mối duy nhất là một tấm ảnh cũ có đề tên “G. Domm” – dường như là một nhân viên tên Gilbert Domm ở trang trại nơi đoạn phim đã được thực hiện.

Ông chủ khu vui chơi Ricky Park

nope-ricky-park-jupe
(Ảnh minh họa: Nope)

Ricky Park hay “Jupe” là ông chủ của khu vui chơi ở thung lũng Agua Dulce, gần trang trại nhà Haywood. Đây là nhân vật rất đặc sắc được thể hiện bởi diễn viên gốc Hàn đầy thực lực Steven Yeun. Cùng với con quái UFO, Jupe chính là hiện thân cho chủ đề mà tựa phim đang nhắm đến (sự trình diễn và lạm dụng). Trước khi nhà Haywood biết về bản chất của UFO, Jupe đã bí mật tương tác với con quái vật từ lâu thông qua show diễn The Starlight Lasso Experience mà anh ta tổ chức mỗi tối Thứ 6.

Jupe cố gắng canh giờ UFO đói ăn thì thả con ngựa chạy xuống thung lũng làm mồi cho nó, tạo nên cảnh tượng thú vị để hốt tiền của du khách (lũ ngựa này anh mua của nhà Haywood). Bằng cách đó, anh ta lạm dụng cả những con ngựa, UFO lẫn nhà Haywood cùng một lúc. Đặc biệt, có thể xem như Jupe đã kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của OJ, vì nếu không mất cha và gặp khó khăn trong kinh doanh, OJ sẽ không thí mạng những con ngựa yêu quý như thứ đồ dùng một lần như vậy.

Đoán xem, chính Jupe cũng là sản phẩm lỗi của ngành công nghiệp điện ảnh. Anh ta vốn là ngôi sao thiếu nhi nhưng sự nghiệp bị xuống dốc, tâm lý tổn thương, nhân cách bị bóp méo sau sự cố với chương trình “Gordy’s Home!” khi bạn diễn tinh tinh nổi điên, tấn công và làm bị thương nhiều người ở trường quay. Các bạn có thể thấy cô gái bạn diễn tên Mary Jo của Jupe lúc nhỏ đã sống sót và xuất hiện ở trường quay, nhưng gương mặt bị biến dạng ghê rợn.

Mình sẽ nói thêm về chi tiết này ở phần của Gordy bên dưới.

Con tinh tinh trong “Gordy’s Home!”

nope-chimpanzee-scene
(Ảnh minh họa: Nope)

Khán giả được xem đoạn phim ngắn về sự cố của chương trình “Gordy’s Home!” ở ngay đầu phim Nope, mặc dù vậy ở thời điểm này chúng ta chưa rõ chuyện gì đang thực sự xảy ra. Đó là một cảnh kinh hoàng, con tinh tinh vấy máu dường như đã tấn công và cắn xé cô bé đang nằm bất động dưới sàn. Hãy để ý có chiếc giày của nạn nhân dựng ngược như muốn lơ lửng.

Đó là “bad miracle” mà OJ đã từng nhắc tới, cũng là nguyên nhân khiến Jupe tin rằng bản thân mình có trải nghiệm tâm linh và là kiểu “người được chọn” khi con tinh tinh không tấn công mà lại cố gắng “cụng tay” với anh ta trước khi bị bắn chết. Ở tình huống này Jupe đã lầm, anh ta đơn giản chỉ là gặp may và thú hoang thì luôn khó đoán.

Trải nghiệm nói trên khiến Jupe ảo tưởng về mối liên kết với sức mạnh siêu nhiên nào đó, thôi thúc và khiến anh ta tự huyễn hoặc rằng mình có thể thao túng con quái UFO (vốn cũng có thể xem là một con thú hoang). Trên thực tế, đó chỉ là Giấc mơ Mỹ méo mó của chính Jupe, dẫn đến cái chết không thể tránh khỏi khi đối đầu với UFO.

Anh chàng kỹ thuật viên lắp Camera

nope-torres-cameraman
(Ảnh minh họa: Nope)

Angel Torres là kỹ thuật viên của cửa hàng điện máy ở địa phương, người đã giúp nhà Haywood lắp đặt camera nhằm ghi hình thực thể ngoài hành tinh ẩn trong đám mây. Torres cũng là nạn nhân của ngành công nghiệp giải trí, anh bị bạn gái bỏ rơi sau khi cô ta trở thành người mẫu của hãng CW – một ông lớn trong ngành truyền thông giải trí ở Mỹ. Đó là động lực để Torres nhập bọn cùng anh em Haywood và tìm kiếm danh vọng cho riêng mình.

Nhà quay phim bậc thầy Antlers Holst

nope-antlers-holst
(Ảnh minh họa: Nope)

Antlers Holst là người có thâm niên trong ngành điện ảnh và là người duy nhất đủ năng lực để thực hiện được “cảnh quay bất khả thi” mà anh em nhà Haywood có thể nghĩ tới được. Với những camera tự chế và không phụ thuộc vào nguồn điện, Holst mang lại giải pháp phù hợp để quay phim UFO, bởi nó thường phát ra xung điện làm vô hiệu hóa thiết bị điện tử khi tấn công.

Ban đầu, Holst tỏ ra không quá ấn tượng với những gì mà Emerald trình bày, nhưng khi nhận ra tiềm năng của cảnh quay để đời, ông là người đầu tiên bị tham vọng khiến cho mù quáng. Holst đánh cược tính mạng mình vào cảnh quay cận đẹp và đầy đủ nhất ngay bên dưới “cái mồm” của thực thể UFO nhưng không có bất kỳ chi tiết nào cho thấy cuộn phim đó có thể được khôi phục.

Thực thể ngoài hành tinh: Jean Jacket

nope-jean-jacket
(Ảnh minh họa: Nope)

Sinh vật ngoài hành tinh được anh em nhà Haywood đặt tên theo một trong những con ngựa của họ – Jean Jacket. Trong nỗ lực quay phim nó, OJ và Emerald muốn bản thân có thể làm nên kỳ tích như cách mà Eadweard Muybridge lần đầu tiên tạo nên “bức tranh chuyển động” vậy. Trong khoảng một nửa thời lượng phim, cả người xem và các các nhân vật chính cho rằng nó là đĩa bay hay phi thuyền theo kiểu truyền thống, bởi nó có ngoại hình giống như những gì mà văn hóa đại chúng từng thể hiện.

Điều đó khiến bộ phim trở nên kinh dị hơn khi bản chất thực sự của Jean Jacket được tiết lộ, nó là thực thể sống đơn nhất chứ không phải tàu bay. Jean Jacket hút người không phải để bắt cóc và nghiên cứu như trong những câu chuyện kiểu mẫu về UFO mà chính là trực tiếp ăn thịt họ. Khu vực thung lũng Agua Dulce nơi có trang trại của nhà Haywood và khu vui chơi tên Jupiter’s Claim của Jupe được Jean Jacket xem như là lãnh thổ săn mồi.

Sau khi nuốt chửng con mồi, Jean Jacket thải ra những thứ mà nó không thể tiêu hóa được, bao gồm các vật dụng kim loại và đồng xu, đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Otis Haywood ở đầu phim. Nhà làm phim đã cố gắng xây dựng Jean Jacket như con thú săn mồi hoang dã, nó có thể bị kích động và có xu hướng tấn công bất kỳ ai giao tiếp bằng mắt với nó – đây là chi tiết đã được chứng minh bởi nghiên cứu khoa học (ngành nghiên cứu về giao tiếp bằng mắt đôi khi được gọi là oculesics).

Khác với con người, thường nhận thức hành vi giao tiếp bằng mắt là sự tôn trọng và thành thật (đặc biệt là ở phương Tây), thế nhưng thú hoang lại khác. Ở nhiều loài động vật, bao gồm cả chó và gấu, thường coi giao tiếp bằng mắt là mối đe dọa. Nhiều chương trình hướng dẫn phòng chống chó cắn khuyên bạn nên tránh giao tiếp bằng mắt với một con chó không quen biết để tránh kích động nó.

Trong số các loài linh trưởng, giao tiếp bằng mắt được coi là hành vi đặc biệt hung dữ và việc nhìn chằm chằm vào chúng trong vườn thú có thể gây ra hành vi kích động bạo lực. Tinh tinh sử dụng giao tiếp bằng mắt để đe dọa trong các cuộc chạm trán thù địch, ví dụ như tranh giành lãnh thổ hoặc giành quyền giao phối với con cái trong bầy.

Sự cố ngoài đời thật xảy ra năm 2007 tại Vườn thú Rotterdam được cho là có liên quan đến giao tiếp bằng mắt: con khỉ đột Bokito làm bị thương một người phụ nữ đã đến thăm nó vài lần, cô ta dường như đã giữ giao tiếp bằng mắt khá lâu với nó. Các du khách sau đó đã được cấp cho những chiếc kính đặc biệt để tránh việc con khỉ đột có thể nhận biết ánh nhìn của họ khi đang tham quan. Tương tự, có thể hiểu trong sự cố của Gordy’s Home ở quá khứ, Jupe có lẽ đã may mắn thoát chết khi trốn ở dưới bàn và không trực tiếp giao tiếp bằng ánh mắt với con tinh tinh do cách một tấm trải bàn.

nope-ufo-alien-true-form-jean-jacket

Một chi tiết tham khảo thú vị khác là hình dạng thực sự khi con quái UFO “bung lụa” rất giống với mô tả của Thiên thần theo đúng như trong Kinh Thánh. Tất nhiên, khi xem tới đoạn này, mình đã thốt lên: “Damn! Neon Genesis Evangelion!” – hẳn là có nhiều bạn cũng sẽ nghĩ thế vì nó khá rõ ràng để nhìn ra, Jean Jacket đúng là sinh vật ngoại lai mang tới sự hủy diệt.

Hơn nữa, cái lõi của Jean Jacket nơi nó nuốt người vào có hình vuông – tương tự như ống kính và hood ống kính đời cũ, nó cũng phát ra những âm thanh như tiếng màn trập/gương lật khi máy ảnh vận hành. Thế nên thay vì gọi là UFO, mình thích ý tưởng nó là một con “quái vật camera” bay khắp nơi và “chụp” lấy mọi thứ, nhất là những ai bị thu hút và không cưỡng lại được sự hiếu kỳ để rồi nhìn vào “ống kính” của nó. Những phỏng đoán mang tính cá nhân ở trên thực ra rất phù hợp với chủ đề của bộ phim.

Ngoài ra còn nhiều thuyết âm mưu liên quan tới CERN, máy gia tốc hạt lớn ở Thụy Sĩ, Saturn (tức Titan Cronus) và Jupiter (tức thần Zeus) và cách mà Saturn đã nuốt hòn đá giả Jupiter truyền cảm hứng cho con quái Jean Jacket nuốt cái bong bóng khổng lồ hình Jupe ở khu vui chơi Jupiter’s Claim của anh ta. Tuy nhiên các thuyết này chưa rõ ràng nên mình sẽ tổng hợp sau nếu có thể.

Các nhân vật đều tốt xấu khó phân

Như đã nói ở trên, con quái Jean Jacket và ông chủ khu vui chơi Ricky Park chính là bộ đôi phản diện dễ thấy nhất của tựa phim. Mặc dù vậy tất cả những nhân vật trong phim này, bao gồm OJ và Emerald đều đứng giữa lằn ranh thiện ác bởi tham vọng của riêng họ, cuối cùng họ cũng là một phần của hệ thống, góp phần xoay chuyển bánh xe danh vọng và tiền tài của “sự trình diễn” cũng như “sự lợi dụng”.

Đặc biệt gã phóng viên chuyên nghiệp của tờ TMZ (tay lái xe điện đội mũ bảo hiểm tráng gương), hắn cũng đã điều tra và hiểu rõ về bản chất của Jean Jacket, nỗ lực cạnh tranh với anh em nhà Haywood để có được thước phim về con quái vật UFO. Thậm chí hắn còn điên cuồng và tham lam hơn khi sắp chết tới nơi nhưng điều duy nhất hắn chú ý chính là phải ghi hình được thực thể ngoài hành tinh.

nope-poster
(Ảnh minh họa: Nope)

Hãy lưu ý là những kẻ chuyên nghiệp nhất và tham vọng nhất đều chết hết, bao gồm: gã phóng viên TMZ, nhà quay phim Antlers Hotls và ông chủ khu vui chơi Ricky Park. Ngoài ba nhân vật chính là OJ, Emerald và Torres thì con ngựa Lucky là chính là sinh vật duy nhất từng đối mặt nhiều lần với Jean Jacket mà vẫn may mắn sống sót theo đúng như cái tên của mình, ngoài việc nó là một con vật vô tội thì tên nó là Lucky, ok?

Tóm lại, trong thời gian tới phim Nope nói riêng và các tác phẩm của Jordan Peele nói chung sẽ tiếp tục khiến chúng ta tốn nhiều giấy mực để bàn luận. Không chỉ kinh dị khi mô tả mối hiểm họa nằm ngoài sự hiểu biết của con người, tiền đề của phim còn như một đề văn nghị luận xã hội, châm biếm sâu sắc thực trạng xã hội và ngành công nghiệp giải trí nói chung. Đồng thời, nó chỉ ra vai trò của chính chúng ta – những khán giả vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân đã góp phần cho cả sự thịnh vượng và thối nát của ngành này.

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!