
Trò chơi God of War 2018 kết thúc đầy cảm xúc khi Kratos và con trai Atreus cuối cùng đã có thể rải tro cốt của Faye ở đỉnh cao nhất của Cửu Giới, người chơi đồng thời biết rằng Atreus chính là Loki trong lời tiên tri của tộc Khổng Lồ, cũng như biết về Ragnarök – sự kiện mà Odin lo ngại và gần như bị ám ảnh bởi nó, đến mức ông ta làm nhiều việc bị cho là điên rồ, nhưng thực sự có phải như vậy?
God of War Ragnarök tiếp tục ở mốc thời gian một vài năm sau đó, Atreus đã lớn thành một thiếu niên, mạnh mẽ nhưng bồng bột và gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi “Ta là ai?“, trong khi đó Kratos vẫn là kẻ sát thần cộc cằn và đầy mâu thuẫn nội tại đang bất lực trong việc rũ bỏ quá khứ, ông luôn chật vật khi cố gắng giao tiếp và thấu hiểu con trai mình. Liệu bảo bọc con trai một cách cực đoan có là lựa chọn tốt của Kratos?
Hai cha con lại có khách lạ ghé thăm nhà, tương tự như phần trước. Nhưng lần này sẽ khác với chuyến viếng thăm của Baldur – kẻ luôn cáu bẳn, trầm cảm vì lời nguyền của mẹ Freya đã ngăn cấm mọi cảm xúc của anh ấy, Thor là một con người khác hoàn toàn. Như Trailer đã cho chúng ta biết, Thor xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà Kratos, đó là một cuộc gặp gỡ kỳ lạ, mở ra những sự kiện kỳ lạ, nó có thể sẽ chẳng như các bạn đoán đâu.

Khác với Baldur, kẻ chiến đấu một cách hoang dại, luôn mồm móc mỉa để gây ra nỗi đau cho đối phương – thứ mà anh ta chẳng thể cảm nhận được, Thor dường như khác biệt, ngay cả khi đứng trước những kẻ đã sát hại hai con trai Magni và Modi. Thor lao vào trận chiến vì một mục đích khác, ông ta có câu chuyện của riêng mình và người chơi sẽ từng bước được khám phá. Những nhân vật tưởng chừng như là thô lỗ, bị gọi là cục súc, là phản diện, hóa ra lại đáng cảm thông hơn ta nghĩ?
Cái hay của God of War Ragnarök là như vậy, khi chơi game bạn không phải như đang xem một series chuyển thể của Netflix mà nguyên tác bị bóp nát bởi những tay đạo diễn và biên kịch lơ mơ (ví dụ The Witcher). Mỗi nhân vật được xây dựng rất tốt, họ có cuộc chiến nội tâm, có một tình thế khó khăn phải đối mặt, một nhiệm vụ phải hoàn thành, mà trong cuộc chiến đó họ là anh hùng, đang chiến đấu vì gia đình, người thân, hoặc vì một mục đích nào đó to lớn hơn lợi ích của chính bản thân họ.
Chúng ta đều đã biết Odin có xuất hiện trong game và ông ta cũng có những trách nhiệm đè nặng trên vai, mình không muốn tiết lộ, nhưng đây cũng là một nhân vật mà bạn có thể đồng cảm, thậm chí sẽ có nhiều người yêu thích Odin vì cách mà nhà phát triển xây dựng nhân vật này. Kể cả một con sói, con rùa thông minh, những nhân vật phụ cũng có các khoảnh khắc khiến người chơi phải cảm thấy đau xót, chúng cũng là một mảnh ghép cho bức tranh lớn hơn.
Cốt truyện hay khiến God of War Ragnarök tỏa sáng
Trong một tựa game mà gameplay không quá khác biệt với phần trước (tất nhiên cũng có những nội dung thú vị mới mẻ nhé), thì cốt truyện, kịch bản, cách phát triển nhân vật tỏa sáng để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người chơi, một hướng đi không thể tuyệt vời hơn mà Santa Monica đã lựa chọn cho sản phẩm mới nhất của họ, thật đáng để dành thời gian mà thưởng thức.
Bạn có thể xuất mồ hôi với những màn combat nhọc nhằn nếu chọn chơi game với độ khó cao, trầm trồ khi xem các đoạn cutscene hoành tráng, đậm chất điện ảnh được biên đạo vô cùng mãn nhãn, thì thứ còn lại khi bạn đặt tay chiếc tay cầm Dualsense xuống đó là câu chuyện của nhân vật. Nó mang tính giáo dục và giúp mình tôn trọng các mối quan hệ, tình cảm giữa người với người, là một bài học hay hơn bất kỳ lý thuyết sách vở cứng nhắc nào.
Nhìn chung về bối cảnh, cốt truyện, chủ đề và cách thể hiện, game vẫn cực kỳ tốt, mặc dù đôi khi nó khiến bạn choáng ngợp và quên mất mình đang ở đâu trong câu chuyện vì lượng nội dung quá nhiều, buộc phải mở Codex lên xem lại để có thể hoàn toàn nắm bắt được vấn đề. Đây chắc chắn không phải là tựa game chỉ gồm đánh và giết.

Các chủ đề về sự mất mát, tình phụ tử và sự hy sinh để bảo vệ điều mình yêu quý được nối dài và phát huy nhiều hơn với các chủ đề khác, bao gồm sự chấp nhận, sự thỏa hiệp, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, sự khát khao tri thức, làm chủ số phận và cả cách đối mặt với cái chết… tất cả là những yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống thực nếu bạn muốn trưởng thành, tồn tại và thành công.
Ngoài ra, để có thể trải nghiệm tựa game một cách tốt nhất, người chơi ngoài việc ôn lại các diễn biến của phần trước, cần tham khảo thêm thần thoại Bắc Âu, đặc biệt là chương về Ragnarok, cũng như mô tả của các nhân vật dựa trên nguyên mẫu thần thoại. Các dân tộc Bắc Âu sống trong môi trường khắc nghiệt, cuộc sống và tín ngưỡng của họ cũng thế.
Nhìn chung, thần thoại là những câu chuyện về thần nhưng được truyền miệng để nhắc nhở về truyền thống và để giáo dục con người. Sắc thái của thần thoại Bắc Âu lại rất khác Hy Lạp, đa phần các nhân vật khắc khổ và có xu hướng che giấu nội tâm bằng một vỏ bọc rất dễ gây hiểu nhầm ở bên ngoài, chỉ khi đi sâu vào tìm hiểu thì chúng ta mới nhận ra họ thú vị hơn mình tưởng.