
Như đã nói hôm trước thì đến bây giờ mình mới xem phim Vị của đạo diễn Lê Bảo. Mặc dù đã có những thiên kiến từ trước về phim, nhưng vì mình xem sau khi nuốt 200 câu bài tập về Luật Hình Sự, nên nhìn chung phim lại trở nên khá là giải trí. Thực ra thì không có quá nhiều điều để nói và mình cũng không hiểu sao Vị (Taste) lại có thể gây nhiều drama không đáng có như vậy (và rõ ràng những tranh cãi đó không đến từ bản thân bộ phim).
Trong bài này mình chỉ nói về 2 khía cạnh, thứ nhất là về việc phim bị cấm vì các cảnh khỏa thân tập thể được cho là chiếm 1/3 thời lượng phim, thứ hai là về cách nhìn nhận tựa phim này một cách khách quan và đơn thuần vì mục đích giải trí, tránh bị xao nhãng vì các chuyện bên lề không đâu. Trong bài này mình có thể xài nhiều “Eng-risk” một chút.
👉 Nhìn nhận phim Vị như thế nào?
Mình sẽ nói vế thứ hai trước vì nó đi vào trọng tâm hơn, thì phim Vị là một phim arthouse, tất nhiên thì arthouse là phim độc lập, nhắm vào thị trường ngách hơn là số đông, được thiết kế để mang lại một trải nghiệm độc đáo nào đó, chứ không phải để thu hút thật nhiều khán giả đại chúng.
Nhìn chung, phim có các yếu tố (elements) “oneiric surrealism”, bạn có thể dễ dàng tìm ra các danh sách oneiric movies trên mạng, ví dụ như là của David Lynch. Surrealism thì là một trào lưu văn học và nghệ thuật rồi, còn oneiric là “liên quan tới giấc mơ”. Căn bản là các nghiên cứu về giấc mơ và phim ảnh đã có từ lâu, phép ẩn dụ liên quan tới giấc mơ cũng đã có một lịch sử lâu dài được nhắc đến trong lý thuyết điện ảnh, đó là cách mà những nhà làm phim khai thác yếu tố nói trên và phim được dán nhãn oneiric movies ra đời.
Oneiric movies hay oneiric film tạo nên các trải nghiệm. Thực ra, bộ phim nào cũng có thể có yếu tố oneiric (tức “dream-like”) cả, nên ngành công nghiệp phim (film industry) còn được gọi là “the dream factory” là vì lý do đó. Một giấc mơ của bạn đôi khi nó giống một bộ phim mơ hồ diễn ra ngay trong đầu bạn, đúng chứ? Mơ hồ, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được nó có cốt truyện và tình tiết, diễn biến đàng hoàng.
Tuy nhiên cần nhớ rằng, dù một giấc mơ có khuynh hướng dựa trên những tư liệu từ trải nghiệm của bạn trong thực tại, nhưng những gì bạn mơ là không có thật, nó chỉ là những hình ảnh diễn ra khi mà ý thức của bạn lùi một bước để nhường chỗ cho vô thức, và một bộ phim có yếu tố oneiric surrealism cũng vậy. Điều đó dẫn đến việc nó có thể trở nên khó hiểu với đầy những phép ẩn dụ hoặc các chi tiết kỳ dị của nhà làm phim, mà nó không nhất thiết là có cần thiết hay không đối với người xem.
Oneiric movies có thể được phân loại là drama (như phim Vị), mystery, thriller, drama, comedy, horror hay musical… và như đã nói ở trên, bất kể phim nào cũng có thể có yếu tố này, chỉ là ít hay nhiều để có thể dán cái tag oneiric vào mà thôi. Trên hết, chủ yếu phim xoay quanh hai tác vụ, một là “manifest” cái gì đó trong đầu tác giả thành phim, hai là “invoke” cái gì đó trong đầu người xem thành trải nghiệm. Cả hai tác vụ đó đều xoay quanh cái pleasure của mỗi cá nhân đó, chỗ này ai thích đọc về phân tâm học và lý thuyết của Freud sẽ thấy luôn mà không cần nói nhiều.
Khi bộ phim, thứ được manifest bởi cái gì đó trong đầu tác giả tương đối đồng bộ với cái gì đó được invoke trong đầu người xem, thì lúc đó trải nghiệm và sự thưởng thức diễn ra, dù là trong phim siêu thực hay phim bom tấn siêu anh hùng thì cũng thế. Có cậu bé nào lúc nhỏ không muốn được đóng vai siêu anh hùng, muốn được làm Superman, hay các cô bé muốn được làm công chúa để gặp bạch mã hoàng tử? Thì phim Superman căn bản là nó đã invoke cái pleasure – a.k.a một cảm giác hạnh phúc hài lòng và hưởng thụ trong tiềm thức và chạm tới vô thức của những cậu bé, thanh thiếu niên, thậm chí người trưởng thành từng yêu thích Superman.

Lúc bạn thưởng thức và hài lòng tựa phim đó, một trạng thái trance-like (hay dream-like state) có thể hiện hữu, nghe ghê gớm vậy thôi chứ chả phải thôi miên hay gì đâu, có thể hiểu đơn giản là bạn đang bị cuốn vào phim, bất kể là bạn có hiểu hết những ẩn ý mà tác giả muốn nói hay không, thì bạn luôn cảm nhận được “một điều gì đó” và đây là một phần của quá trình thưởng thức nghệ thuật, có thể diễn ra khi bạn tiếp cận các hình thức khác như nhạc, văn thơ, tranh ảnh, vũ điệu… chứ không riêng gì phim ảnh.
Nói dài như vậy để làm gì? Nói dài như vậy chỉ để đơn giản nói rằng Vị là một sản phẩm manifest từ cái gì đó trong đầu của đạo diễn Lê Bảo và nó là một bộ phim có yếu tố oneiric, thế thôi. Nó không nằm vào danh sách tựa phim đặc sắc nhất mình từng xem được dán nhãn này và chắc chắn là nó không đủ đô để mình phải “ewww”, những cảnh khỏa thân cũng không phải vấn đề gì lắm vì có nhiều phim ghê hơn vậy nhiều. Tìm kiếm review nước ngoài trên mạng thì nó cũng đến thế thôi, các cây bút báo lớn cũng viết đi kèm các từ khóa oneiric rồi hypnotic… that’s all, công thức cả rồi, có ngồi cong lưng review thì nó cũng chả khác mấy bài văn mẫu của Variety được.
Đạo diễn Lê Bảo cũng không có lỗi gì khi làm ra một phim như vậy cả, có thể nó lạ lạ nhưng chỉ lạ ở thị trường Việt hay thị hiếu xem phim của người Việt và phim dạng này thì nó có thể phi lý hoặc gây khó chịu là bình thường, thậm chí gây tranh cãi về mặt đạo đức.
Đạo diễn làm ra phim vì trải nghiệm của anh ta, bạn xem phim và có trải nghiệm của bạn, hai trải nghiệm này có thể sẽ chẳng cần thiết phải đồng nhất. Lê Bảo làm phim vì cái tôi riêng, chứ nếu e ngại cái ta chung chắc là đã không làm. Bạn cũng vậy, có thể xem cho biết như mình, rồi thôi, hoặc không, chẳng có vấn đề gì hết, nó cũng không đặc biệt đến mức nằm trong danh sách Must-See Movies.
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
👉 Phim bị cấm bởi cảnh khỏa thân tập thể quá dài!
Chi tiết này làm phim bị cấm tại Việt Nam và nó không liên quan gì tới việc phim hay hay không hoặc ngược lại. Phim bị cấm không có nghĩa là nó dở và giá trị nghệ thuật cũng không phải là lý do để nó không thể bị cấm. Chỉ đơn giản là vào thời điểm này bạn không thể công chiếu tựa phim có một anh da đen trần truồng ăn cơm và làm tình với 4 bà người Việt trong một bối cảnh Việt Nam bị bóp méo bởi cái yếu tố oneiric của phim. Trong quá khứ cũng có nhiều phim Việt có cảnh nóng nhưng nó không tới mức đấy.
Cách thể hiện như vậy chắc chắn sẽ không qua được ải ở thời điểm này. Một lần nữa, bạn nghĩ rằng bộ phim có những cảnh như vậy sẽ được phát hành và công chiếu? Seriously?
Nó căn bản là không phù hợp và nếu cho công chiếu để rất nhiều người coi thì mình đoán khá chắc là còn bị chỉ trích lẫn gây tranh cãi nhiều hơn nữa, thậm chí lợi bất cập hại cho chính đạo diễn hơn là không bị cấm. Và nhắc lại luôn việc bị cấm này không có nghĩa là phim dở hoặc đạo diễn Lê Bảo sai khi làm ra một tựa phim như vậy, trên thế giới có nhiều nhà làm phim làm ra những phim táo bạo hơn, dị hơn, gây tranh cãi nhiều hơn và bị tế nhiều hơn.
Thậm chí không riêng gì ở Việt Nam, mà ở nước ngoài cũng có những phim bị cấm vì các yếu tố tương tự. Sau khi xem Vị thì mình nhớ tới một phim khác là El Príncipe (2019) của đạo diễn Sebastián Muñoz, kể câu chuyện một tù nhân trẻ tìm hiểu về giới tính, tình yêu và bạo lực sau song sắt. Phim được giải Queer Lion Prize ở Venice International Film Festival nhưng sau đó đã bị cấm khỏi Amazon Prime Video UK vì “trong phim có hành vi xấu” đi ngược lại guidelines của nền tảng.

El Príncipe (2019) cũng có nhiều cảnh trần trụi giữa bê tông cốt thép và song sắt lắm đấy và thậm chí bị Hollywood Reporter đánh giá là: “Một ảo mộng trong nhà tù hoàn toàn thiếu đi sự độc đáo.” thì nó vẫn được đón nhận và điểm khá, IMDB 6.4 và RT 71% nhé. Lấy một ví dụ để chứng tỏ rằng thể loại này gây tranh cãi và bị cấm đoán chỗ này chỗ nọ là vẫn hay xảy ra.
Điều mà mình quan ngại nhất ở đây là khi nổ ra drama có rất nhiều người am hiểu phim ảnh và nghệ thuật quay sang chửi bới và miệt thị ngược lại khán giả đại chúng khi thấy họ chê phim, từ đó kéo dài tình trạng combat ở trên mạng xã hội. Lẽ ra với sự hiểu biết thì họ nên diễn giải một cách dễ hiểu cho người khác, chứ không phải tâng bốc tác phẩm mình thích rồi cho hạ thấp người khác. Mình nhớ là theo dõi combat thì đọc ở đâu đó là có page hay ai đó bảo khán giả đại chúng hẹp hòi không cảm được phim mình chỉ phì cười, ai cũng cảm được thì làm gì tới lượt bạn ngồi gõ phím phân tích phim.
Với lướt lướt thấy có mấy người bảo phim nghệ thuật, không nên phân tích, không phân tích được, nó trừu tượng, siêu thực, nên tự trải nghiệm… Bullshit, xin lỗi, trước khi game hay phim ảnh ra đời, thì thứ duy nhất diễn tả những ý tưởng chính là con chữ. Mọi thứ đều sẽ bắt đầu từ trang giấy, bạn không giải thích hay viết ra cho người khác hiểu được đơn giản là vì bạn lười, bạn thượng đẳng xem thường người ta, bạn cảm thấy không đáng để viết, hoặc đơn giản là bạn không thể viết và không muốn kéo người khác vào cùng thưởng thức với mình.
Kết lại, Vị là một tựa phim ổn, mặc dù không phải là tựa phim quá đặc biệt so với nhiều bộ phim có yếu tố oneiric khác, bản thân nó chẳng có mấy vấn đề mà còn là một phim Việt thú vị, chỉ là sai chỗ sai thời điểm và bị cuốn vào drama của những con người khác vì những mục đích khác, chứ đạo diễn chính là làm cho thỏa chí thế thôi.
Ảnh minh họa: Taste – MUBI