Sissy (2022) là phim kinh dị, giật gân độc lập của Úc do Hannah Barlow đạo diễn, đồng thời đóng vai Emma. Bộ phim thách thức khán giả đặt lại câu hỏi về nhiều thứ, ví dụ như độ khả tín của những “influencers” trên mạng xã hội – nhất là những người tự nhận làm công tác “chữa lành”. Họ không nhất thiết là những tên giết người hàng loạt, thế nhưng, lời khuyên của họ có đáng tiếp nhận mà không cần suy xét? Họ có phải nguồn thông tin sức khỏe tâm thần đáng tin cậy?
Đây là bài viết do Gấu Mèo Thức Khuya biên tập, là tài sản thuộc về hệ sinh thái Maybe, cụ thể là các Page, Group hoặc Website Maybe.vn và Lost Bird. Bài viết được re-up trên Blog cá nhân của người viết vì mục đích lưu trữ. Mọi sự trùng lắp trên các Website hoặc Page và Group khác đều là sao chép mà không có sự cho phép bởi người sở hữu của Lost Bird hoặc người viết.
Gấu Mèo Thức Khuya
Nội dung phim: Cecilia và Emma là đôi bạn thân ấu thơ, tuy nhiên, tình bạn ấy không kéo dài lâu. Lớn lên, Cecilia trở thành influencer/guru chuyên về “chữa lành”, hướng dẫn phong cách sống với 200k người theo dõi. Một lần tình cờ cô gặp lại Emma, hai người bắt liên lạc trở lại và Emma mời Cecilia tham dự tiệc độc thân của mình cùng bạn gái Fran và những người bạn khác. Trong cơn say túy lúy, Emma vui mồm rủ Sissy dự hen party (tiệc dành cho cô dâu và những người bạn trước khi cưới) cuối tuần.
Sissy rất yêu quý Emma và muốn hàn gắn với cô nên đã đến điểm hẹn thật. Không ngờ, tại nhà nghỉ, Cecilia chạm mặt Alex, người đã cướp bạn thân Emma và trêu chọc biệt danh Sissy (còn có nghĩa là đồ ẻo lả) của cô khi còn nhỏ, dẫn đến một “tai nạn” để lại sẹo cho Alex. Alex rất thù Cecilia vì chuyện này nên cũng rất sốc khi thấy cô xuất hiện. Cecilia bị nhóm bạn cô lập, nói xấu, dẫn đến khủng hoảng tinh thần và mọi thứ cứ thế đổ vỡ.
Sissy (2022) kể chuyện theo lối khách quan từ góc nhìn thứ 3, bộ phim chỉ phơi bày sự việc như thế, không thiên kiến, không có tốt-xấu, trắng-đen, thiện-ác rõ ràng. Mỗi nhân vật đều có vấn đề, nhưng không có nghĩa là họ đáng chết hay đáng thương. Đương nhiên khán giả như chúng ta có xu hướng cố gắng dán nhãn, tìm ra đâu là “vai ác”. Nhưng bạn có làm được vậy khi biết được động lực đằng sau, biết được những yếu tố chồng chất dẫn đến sự kiện như vậy?
Dù không gặp nhau hơn 15 năm, Emma lại mời Sissy đi dự tiệc nơi có “bầy đàn” quen thuộc của cô, khiến Sissy lẫn Alex rơi vào cảnh khó xử, hôn thê Fran không thoải mái. Mục đích của Emma khi làm việc đó là gì? Để bù đắp cho cảm giác tội lỗi vì đã bỏ rơi bạn mình hồi nhỏ? Hay phức cảm cứu rỗi (saviour complex) thúc đẩy cô làm vậy cảm thấy mình là người tốt khi chấp nhận và bênh vực Sissy? Có thật Emma quên mất đã mời Sissy hay chỉ chống chế trước cơn giận của Alex.
Sissy đáng tội, nhưng cô có đáng thương?
Nhân tố đáng suy nghĩ nhất trong phim đương nhiên là Sissy, hay Cecilia như cô muốn như thế. Liệu câu chuyện quá khứ và cách hành xử của nhóm bạn có phải lời bào chữa đáng cân nhắc? Ta thấy rõ rằng, Sissy thật sự muốn hòa nhập với mọi người, nhưng có vẻ như “bản tính” đã ngăn cản tương tác xã hội mà cô mong đợi diễn ra suôn sẻ. Phim theo đuổi quan niệm điển hình về người thái nhân cách, rằng họ toát ra tín hiệu đáng báo động cho dù vẻ ngoài thân thiện, cùng một số đặc điểm như giả tạo, thiếu đồng cảm.
Hãy xét lại một số chi tiết gợi nhắc đến bản chất của Sissy. Vì sao Emma đột nhiên không chơi với Sissy nữa, thậm chí không mời cô đến buổi tiệc sinh nhật. Có thể tự Emma khi còn nhỏ đã nhìn ra được đặc điểm gì đó khó hòa nhập ở bạn mình. Hay như Alex đã gọi thẳng ra, Sissy là kẻ thái nhân cách. Cô cũng có xu hướng ái kỷ, như tìm đến cơn phấn chấn qua những lời tán tụng trên mạng, từ những người chưa gặp cô ngoài đời bao giờ. Tuy nhiên, suốt nửa bộ phim, Sissy không hoàn toàn là kẻ máu lạnh.
Ta thấy cô ban đầu cũng có cảm xúc bình thường. Cô cảm thấy lạc lõng, khủng hoảng, thậm chí khóc trước áp lực chứ không lạnh lùng, toan tính như sát nhân chuyên nghiệp. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, người thái nhân cách nếu được nuôi dạy trong môi trường tốt thì vẫn có thể hòa nhập, thậm chí một vài đặc tính của họ còn có ích cho sự nghiệp cá nhân và xã hội.
Nếu vậy, theo diễn giải của người viết, nửa mặt tối của tính “thái nhân cách” vốn chìm sâu trong Sissy có lẽ được kích hoạt thông qua các tác động tiêu cực. Từng sự kiện một xảy ra, ngã sấp vào nhau như những quân domino, đẩy Sissy đến ngưỡng quyết tâm ra tay một lần cho đáng. Có thể ví cô là Chí Phèo, “Ai cho tao lương thiện?”.
Sissy (2022) là phim điện ảnh thứ hai Hannah Barlow thực hiện với tư cách đạo diễn. Kể từ bộ phim độc lập nhỏ For Now (2017), Hannah đã cho thấy khả năng làm phim trau chuốt. Phim được biên tập tốt, tiết tấu lôi cuốn và vừa vặn trong từng góc máy. Sissy tạo cảm giác ngột ngạt bằng những cảnh cận mặt với ánh nhìn chăm chăm, đôi khi đặt khán giả vào vị trí của Sissy để trải nghiệm ánh mắt soi mói ấy. Diễn xuất của các diễn viên đồng đều, nhất là Aisha Dee trong vai Sissy và Emily De Margheriti trong vai Alex hoàn toàn thuyết phục.