Verna, con quạ và bài học nhân quả cho kẻ ác trong The Fall of the House of Usher?
The Fall of the House of Usher – Sự Sụp đổ của Nhà Usher, hay sự sụp đổ của đại tư bản, đại tài phiệt, điều gì đã mang đến thảm họa cho một kẻ nắm giữ siêu quyền lực có thể chiến thắng cả luật pháp, khi không công lý hay cách mạng nào có thể lật đổ chúng? Trong loạt phim mới nhất của Mike Flanagan được truyền cảm hứng từ tác phẩm của Edgar Allan Poe, kẻ thực thi công lý là một thế lực siêu nhiên hiển hiện thông qua người phụ nữ bí ẩn tên Verna, vậy cô ta là ai và đại diện cho điều gì?
Nhắc tới Edgar Allan Poe, chúng ta nghĩ tới hình tượng con quạ (Raven), “Verna” là cái tên được tạo ra bằng cách đảo những chữ cái trong “Raven”, cô ta đến để nói với nhà tư bản Roderick Usher chỉ một thông điệp: “Nevermore!” – triều đại tội lỗi của nhà Usher sẽ suy vong và ông sẽ phải chết mà không mang theo được gì, cũng không để lại gì, không tiếng thơm, tiền tài, hay cả hậu duệ, chỉ có sự đau khổ, hối tiếc và một núi xác ngoài kia là di sản duy nhất dành cho kẻ làm giàu trên tính mạng người khác.
Verna (do Carla Gugino thủ vai) xuất hiện ở nhiều mốc thời gian trong lịch sử, bên cạnh những kẻ quyền lực và nhà độc tài khác nhau, không ai trong số họ thoát khỏi sự phán xét của cô. Verna không phải là hình tượng của một ác thần, mà công bình và luôn cho nhân loại cơ hội để lựa chọn, vấn đề là họ luôn chọn con đường tà ngay từ lúc ban đầu, thế nên tất nhiên phải gặp hậu quả không thể tránh khỏi.
Như trong cái đêm định mệnh mà Roderick và Madeline gặp Verna, họ đã chọn mọi tài phú và quyền lực trên đời mà không hề nghĩ đến “đời cha ăn mặn đời con khát nước.”
Khi có lợi nhuận, tư bản bán cả linh hồn mình, và khi có siêu lợi nhuận, tư bản sẵn sàng bán luôn cả tính mạng con cháu. Roderick là ví dụ rõ ràng nhất, ông ta mất tất cả 6 người con chỉ trong 2 tuần theo những cách kinh tởm nhất, cả đứa cháu Lenore thiện lương cũng không thoát khỏi cái chết.
Trong tập cuối cùng có tựa đề “The Raven”, Verna được định danh như một con quỷ, nhưng về bản chất cô mang tính biểu tượng cho sự vô thường và nghiệp báo trong Phật giáo nhiều hơn, thứ duy nhất mà một con người mang theo sau khi chết là cộng nghiệp của họ, thứ tài sản thực sự và duy nhất trong cuộc đời của mỗi con người.
Cách diễn giải ấy cũng phù hợp với biểu tượng con quạ trong nguyên tác của Edgar Allan Poe, tượng trưng cho nỗi đau buồn khôn nguôi của “người kể chuyện” (ở đây là Roderick) trước sự ra đi của Lenore. Theo truyền thống, quạ cũng mang hàm ý về cái chết, điệp khúc liên tục “Nevermore!” của con quạ nhắc nhở về cái chết của Lenore, Roderick không bao giờ có thể được gặp lại cô nữa và tất cả là do lỗi của ông ta.
Ở phần cuối, khi Roderick mô tả cái bóng của con quạ bao phủ linh hồn ông, nó ẩn dụ cho nỗi buồn vô tận từ cái chết của người cháu gái sẽ mãi mãi ám ảnh đến giờ phút cuối cùng mà ông sẽ không bao giờ thoát khỏi.
Hình tượng của Verna trong loạt phim thật thú vị và cũng nghiệt ngã khi nó phơi bày ra những sự thật của thế giới, rằng những kẻ giàu có và quyền lực bằng cách chà đạp người khác sẽ không bao giờ có được kết cục tốt đẹp. Nhưng vấn đề là họ vẫn luôn chọn con đường tà ấy, dù đã được một thế lực siêu nhiên, một bậc đại trí cảnh báo trước đi chăng nữa.
Phải chăng đó chính là bản chất của con người? Chi tiết con quạ đậu trên tượng Pallas (The Bust of Pallas) cũng thú vị, Pallas là một epithet của Athena – vị thần nắm giữ các phẩm chất của trí tuệ, thông thái và lương tri.
Khi con quạ đậu trên bức tượng Athena, nó thể hiện một cách trực quan rằng Roderick bị đe dọa bởi sự phán xét của con quạ, việc con quạ vẫn đậu ở trên bức tượng và không hề rời khỏi phòng, chứng tỏ nỗi đau buồn của Roderick là bất di bất dịch và dần dần nó sẽ gặm nhấm ông ta. Trong những giờ phút cuối cùng, Roderick nhốt mình trong căn phòng (The Chamber).
Căn phòng là bối cảnh của bài thơ và cũng là bối cảnh của loạt phim, nơi Roderick kể chuyện và thú tội với công tố viên Dupin, đó cũng là nơi mà Roderick muốn tự cô lập để trốn tránh sự phán xét.
Tuy nhiên, Roderick không thể che giấu bản thân khỏi những suy nghĩ và nuối tiếc về Lenore, con quạ bay vào phòng tượng trưng cho cách mà nỗi đau buồn đã đến xâm chiếm tâm trí ông ta, bất kể mọi nỗ lực phủ nhận và ngụy biện. Không có cánh cửa, hay thành trì nào có thể giúp một cá nhân trốn tránh nỗi đau mất đi người yêu dấu.
Đây là một bài học lớn đối với tất cả mọi người, nhất là những kẻ giàu có như trong câu nói của Balzac: “Đằng sau mọi tài sản kếch xù đều là tội ác.” Nhưng liệu chúng ta có thực sự học được bài học đó bất kể nó đã được phơi bày ngay trước mắt?
“And my soul from out that shadow that lies floating on the floor, Shall be lifted — Nevermore!“