Flow (2024), bộ phim hoạt hình độc lập đến từ Latvia đã làm nên điều kỳ diệu tại Golden Globe và Oscar 2025, khi vượt qua tất cả ứng viên nặng ký đến từ các studio lớn như The Wild Robot, Inside Out 2… để giành tượng vàng tại hai lễ trao giải lớn nhất năm. Thành công này truyền cảm hứng lớn lao cho những cá nhân đam mê làm phim. Đạo diễn Gints Zibalodis mày mò học làm phim hoạt hình từ thời trung học. Với kinh phí hạn chế, Zibalodis tận dụng tất cả những gì có trong tay: phần mềm 3D Blender miễn phí, tự học soạn nhạc, làm phim không lời.
Đều đặn từ năm 2010, Zibalodis thực hiện 6 phim ngắn và 2 phim dài, Away (2019) và Flow (2024). Zibalodis là minh chứng cho cốt lõi của sáng tạo: kể chuyện. Không cần phần mềm đắt đỏ hay công nghệ phức tạp, Flow có thẩm mỹ và câu chuyện hài hòa, tốt nhất cho khả năng của nó lúc này. Kể từ Away (2019), có thể thấy quá trình miệt mài trau dồi của Gints Zibalodis, từ những mảng khối phẳng lì, giờ đây anh tạo ra một cơn lũ và điều khiển dòng nước phức tạp. Flow là nỗ lực bền bỉ không tưởng, nhưng chiến thắng của nó không mang yếu tố “tình thương”.
Flow xứng đáng với thành quả của nó
Chiến thắng của Flow không mang yếu tố “tình nghĩa”, vì là sản phẩm cây nhà lá vườn quá tốt của một studio đến từ Latvia nhỏ bé. Flow mang đến sự bình dị hiếm hoi trong thời đại nội dung chứa quá nhiều kích thích. Flow mộc mạc trong lối kể chuyện tuyến tính và thông điệp dễ nhận thấy, cùng những xếp đặt mang rung cảm lành mạnh. Ngoài ra, Flow còn chứa đựng nhiều ẩn dụ phục vụ cho hình thức làm phim không lời của Zibalodis. Show don’t tell, bởi vì không “tell” được nên tác giả phải dùng đến hình ảnh mang tính biểu tượng thay cho câu thoại.
Phân tích một số hình ảnh tiêu biểu
Một tin vui là Flow đã được nhà phát hành tại Việt Nam mua bản quyền chiếu rạp, khán giả Việt có thể đường hoàng thưởng thức bộ phim thay vì coi lậu trên mạng, một điều bất đắc dĩ. Một số phản hồi cho thấy khán giả vẫn còn mơ hồ với tác phẩm, cho rằng Flow “khó thấm”. Bài viết này nhằm phân tích một số biểu tượng, cũng như giải đáp các thắc mắc thường gặp. Vì là bài phân tích sâu nên sẽ tiết lộ nội dung, bạn đọc cân nhắc trước khi tiếp tục.
Reflection (soi chiếu)
Một hình ảnh lặp đi lặp lại trong phim đó là soi bóng. Ở đầu phim, ta thấy chú mèo soi mình dưới mặt nước, đến cuối phim là cả nhóm cùng soi bóng dưới nước và tựa vào nhau. Ngoài ra ta còn có con vượn Lemur say mê một chiếc gương cầm tay, liên tục soi mặt nó và làm đủ trò biểu cảm. Soi gương là hành vi tự nhận thức, một yếu tố để đánh giá trí thông minh của loài vật. Trong thế giới động vật, hiện chỉ có một số loài tự nhận biết bóng mình trong gương như cá heo, cá voi sát thủ, voi châu Á, quạ, Gorilla…
Soi chiếu là hành động tự nhận thức mà các con vật trong phim liên tục thực hiện. Hình ảnh tương phản rõ ràng nhất là ở đầu và cuối phim, khi con mèo từ tình trạng một mình cho đến có bạn có bầy, từ “tôi” chuyển thành “chúng ta”. Nhóm động vật đã nhận ra giờ đây chúng là một thể thống nhất cùng nhau sinh tồn. Vượn cáo Lemur và cái gương yêu quý của nó cũng rất đặc biệt. Ban đầu nó ôm cái gương soi một mình, sau đó khi nhìn thấy đồng loại, nó hào hứng khoe và cuối cùng, cũng như mèo, nó cùng những con vượn cáo khác ngồi soi gương.
Bầy thú chạy theo vòng tròn
Một hình ảnh nổi bật và kỳ bí nữa các bạn cần hiểu, đó là bầy hươu chạy thành vòng tròn trong giấc mơ của con mèo, sau đó là bầy cá khi mèo lặn nước. Hình tròn tượng trưng cho thống nhất, hòa hợp và khi hình ảnh đó xuất hiện trong giấc mơ, đó là lời hối thúc con mèo mở rộng vòng tròn, chỉ có cách đó mới giúp nó sinh tồn được. Để sinh tồn thì phải thích nghi, mà muốn thích nghi ta phải rũ bỏ lề thói cũ, ở đây là thói quen sống cô lập của con mèo.
Lý giải về con chim thư ký bí ẩn
“Nhân” vật gợi nên nhiều câu hỏi nhất có lẽ là con chim thư ký. Hành trình bí ẩn và kết thúc của nó khiến nhiều người thắc mắc. Điều đó có nghĩa là gì? Rốt cuộc nó đã đi đâu? Có phải đây là một sự hy sinh? Có phải nó đã…chết? Flow có một chút yếu tố tâm linh mà khán giả có thể tự diễn giải theo trải nghiệm của họ.
Chim thư ký là con vật đặc biệt trong phim với hành vi có phần tiến hóa. Nó biết chia sẻ cá cho mèo, thể hiện lòng trắc ẩn với một giống loài khác. Tuy nhiên, đồng loại của nó không đồng tình với điều đó và xảy ra đấu tranh. Con chim thư ký gục ngã và bị bẻ mất một bên cánh, cất tiếng kêu vô vọng. Từ đây, nó bước lên thuyền cùng nhóm bạn mèo và cầm chắc tay lái, nhắm thẳng tới mỏm đá cao. Chim thư ký và mèo cùng nhau trải qua khoảnh khắc có phần siêu thực.
Cả hai bị hút lên vùng trời chói sáng, một vòm trời vàng mở ra và con chim đập cánh tan biến vào đó. Tại đây chúng ta có thể hiểu đây là cái chết mang tính biểu tượng đẹp đẽ nhất. Con chim thư ký đã chuyển kiếp. Mèo chính là người bạn đồng hành cùng chim trải qua giai đoạn “hấp hối”. Khối ánh sáng đó đúng theo miêu tả của những người có trải nghiệm cận tử. Dù đích xác đó là gì đi nữa, thông qua nó chúng ta cũng có thể học cách vượt qua mất mát.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể hiểu chim thư ký đã thoát khỏi vòng lặp Trái Đất. Qua một số chi tiết, ta có thể biết cơn đại hồng thủy này không phải lần đầu diễn ra, nó đã xảy ra nhiều lần rồi, nhấn chìm nền văn minh loài người. Mèo đã nhìn thấy con thuyền mắc trên cây ở đầu phim. Đây là tiến trình vận hành tự nhiên, liên tục. Nước vừa là thứ tạo sinh vừa là thứ huỷ diệt, nó đại diện cho thay đổi liên tục và là dòng chảy sự sống, nhưng cũng là một vòng lặp. Chim thư ký đã thoát khỏi vòng lặp.
Điều gì xảy ra với con cá voi?
Đối với những ai thắc mắc về số phận con cá voi, bạn có thể ở lại xem after credit, đừng bỏ lỡ. Đó là vòng tuần hoàn cuộc sống. Khi cá voi mắc cạn, ta có thể buồn cho nó, nhưng nên nhớ, Flow là thế giới không có con người, không có đánh giá chủ quan về sự sống, cái chết. Khi nhìn thấy cá voi, mèo lập tức nhìn lên mỏm đá, thoáng có cái ý niệm về sự ra đi, thứ nó vừa học được. Khi nước rút, các loài trên cạn an toàn thì đó là khúc bi ai cho loài cá và nó cứ tiếp diễn như vậy.
Kết
Một điều đau buồn và nhẹ nhõm sau khi xem Flow, đó là nhận ra thế giới không có con người thì nó vẫn vận hành, như hàng tỷ năm qua. Điều đó đặt ra câu hỏi, vậy chúng ta là gì? Khi một sinh vật biến mất khỏi hành tinh, hệ sinh thái ít nhiều có chút xáo trộn, nhưng trong Flow và nhiều giả thuyết đưa ra trước đây, có lẽ con người không quan trọng đến vậy. Nếu đã chấp nhận là một phần của tự nhiên, thì hãy vui lòng để nó “xử” mình. Nếu chống lại, con người có lẽ đúng là hiểm hoạ.