’37 Seconds’: Mở đầu với bối cảnh u ám nhưng lại mang thông điệp chữa lành

37 Seconds là một bộ phim tâm lý của Nhật Bản sản xuất năm 2019 do đạo diễn Hikari (Mitsuyo Miyazaki) viết kịch bản và đạo diễn. Phim xoay quanh hành trình của Yuma Takada, 23 tuổi, là một nghệ sĩ tài năng muốn tạo dựng tên tuổi của mình trong ngành họa sĩ manga nhưng gặp khó khăn vì hậu quả của bệnh bại liệt. Thủ vai Yuma là nữ diễn viên nghiệp dư Mei Kayama (người thực sự mắc chứng bại liệt), đây là sự lựa chọn táo bạo của Hikari nhằm mang đến độ chân thật tuyệt đối cho vai diễn.

37 Seconds

Phim 37 Seconds đã có buổi ra mắt thành công tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin, đồng thời được chiếu tại Liên hoan phim Tribeca 2019 và Liên hoan phim Quốc tế Toronto 2019 trong hạng mục Điện ảnh Thế giới Đương đại. Sau đó 37 Seconds được mua lại bởi Netflix và nền tảng này giữ quyền phân phối cho thị trường Hoa Kỳ và Canada cũng như Việt Nam như một phim gốc.

Bối cảnh u ám là sự khởi đầu cho phép màu của nghị lực

37 Seconds là câu chuyện có khả năng truyền cảm hứng một cách đáng ngạc nhiên của Yuma Takada – cô gái bị mắc bệnh bại não từ khi lọt lòng mẹ nhưng có tài hội họa cộng với với ý chí mạnh mẽ quyết tâm theo đuổi sự nghiệp vẽ manga của mình. Lúc mới sinh, Yuma không may bị ngưng thở trong 37 giây dẫn đến hậu quả là tổn thương não do thiếu oxy và bị liệt nửa thân dưới.

Chứng kiến thảm kịch của con gái mình, cha của Yuma lại quyết định rời bỏ hai mẹ con. Bản thân Yuma phải phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ ngay cả trong những sinh hoạt cơ bản nhất hàng ngày. Trong khi đó, người mẹ đau buồn và gần như không còn mục đích gì để sống, nếu không phải vì chăm sóc cho Yuma, bà có thể đã tự sát. Tuy thương con nhưng đôi khi bà cũng tỏ ra khắc nghiệt với Yuma vì đã phải chịu đựng quá nhiều.

Cuộc đời của nhân vật chính bắt đầu một cách bi thảm như vậy, nhưng liệu cô ta có từ bỏ? Câu trả lời là không, Yuma chẳng những không buông xuôi mà vẫn nỗ lực làm việc để khẳng định giá trị bản thân, chứng tỏ mình có thể sống như một người bình thường. Cô bắt đầu công việc sáng tác truyện manga dành cho người lớn và đây là lúc hành trình của Yuma thực sự bắt đầu.

Hành trình tìm tự do và niềm tin vào khía cạnh tốt đẹp của xã hội

Khi xem qua truyện người lớn của Yuma vẽ, nhà biên tập của tạp chí manga nhìn nhận là Yuma có năng lực, tuy nhiên cô bé lại quá thiếu kinh nghiệm thực tế. Cô thậm chí còn chưa bao giờ gần gũi với một người khác giới thì làm sao hiểu được tình yêu là gì, quan hệ nam nữ ra sao. Nhà biên tập bảo cô ít nhất hãy trải nghiệm đi rồi hãy quay lại.

Thế là Yuma – cô gái 23 tuổi bị bại liệt, chưa hề yêu đương, không có cả bạn bè đã bắt đầu dấn thân vào thế giới lạ lẫm để tìm kiếm những giá trị lớn lao. Hành trình này tưởng chừng như rất khắc nghiệt, thậm chí có thể nó sẽ bất khả thi ngoài đời thực. Thế nhưng, đạo diễn Hikari đã biến nó trở thành sự thật trên màn ảnh để gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ.

Chuyến đi của Yuma được thôi thúc bởi nhiều thứ, sự tự do, sự tò mò, khát khao thoát khỏi sự bảo bọc của mẹ, mong muốn tìm cha… Cô đi qua nhiều nơi, đến cả những khu phố đèn đỏ để tiếp xúc với nhiều hạng người. Chuyến đi có buồn, có vui, nhưng nổi bật nhất là sự ấm áp và thân thiện mà Yuma cảm nhận được nơi những con người xa lạ, đôi khi họ rất dị thường, nhưng luôn tốt bụng.

Hình ảnh đẹp đẽ và mang tính lý tưởng nhất xuất hiện giữa chuyến đi này chính là sự hiện diện của Toshiya (Shunsuke Daito thủ vai). Toshiya cao ráo, quyến rũ và tốt bụng, một cậu trai kiểu mẫu thời nay hiếm gặp. Anh ta đã giúp đỡ Yuma, lo lắng cho cô, cùng cô đi khắp nơi, họ ngủ cùng nhau theo một cách vô tư và không có sex. Từ khi gặp Toshiya, Yuma đã cảm nhận được nhiều điều mới lạ.

Ngoài Toshiya ra còn có ông Kuma – một người bại liệt và cũng ngồi xe lăn như Yuma, ông đã giúp Yuma thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Hay cô biên tập Fujimoto – người đã hết lần này đến lần khác đưa ra lời khuyên cho Yuma, nhìn ra tài năng và cho cô cơ hội để có được công việc yêu thích. Nếu không có sự chân thành, khích lệ của Fujimoto ngay từ đầu thì Yuma đã không có động lực để khám phá bản thân.

Đừng buông xuôi, đừng mất đi niềm tin

Có thể thấy, các nhân vật trong phim được đạo diễn Hikari xây dựng có chủ đích nhằm khai thác các khía cạnh tốt đẹp của xã hội, rằng vẫn luôn có những con người đáng mến sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách vô tư. Cuối phim, chúng ta có thể nhìn ra tương lai tươi sáng của Yuma, cái kết có hậu này là tổng hòa từ ý chí của chính bản thân cô bé, cùng sự tương trợ của người thân và xã hội.

37 Seconds được đánh giá cao vì thông điệp truyền cảm hứng cho người xem, sau khi xem phim, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được luồng năng lượng tích cực. Là phim lẻ được Netflix dán nhãn “inspiring” và “heartfelt”, nên rất dễ xem và phù hợp để cùng xem với bạn bè. Phim đã dán mác original nên luôn có trên Netflix và bạn có thể xem bất kỳ lúc nào rảnh.

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!