Tick, Tick… Boom! Màn diễn đầy ‘lửa’ đánh dấu bước chuyển mình của Andrew Garfield

Tick, Tick… Boom! ra mắt trên Netflix vào một chiều 19/11, trời dự báo có mưa nhưng hóa ra lại không mưa, chỉ có những đám mây xám hù dọa.

Phim nhạc kịch chuyển thể do Andrew Garfield thủ vai chính đang nhận được nhiều phản ứng tích cực từ công chúng: 8.1 IMDB và 95% audience score trên Rotten Tomatoes. 2020-2021 có lẽ là năm tỏa sáng của nhiều “bơ sữa”, những nam diễn viên một thời là thần tượng tuổi thiếu niên nay đã thử sức ở những vai phức tạp hơn và thành công mỹ mãn, như Tom Holland, Robert Pattinson, nay là Andrew Garfield.

Tick-Tick-Boom_AlbumArt

Đừng lo, bài viết sau không tiết lộ nội dung quan trọng.

Tick, Tick… Boom! là một phim bán chuyển thể, bán tiểu sử về cuộc đời nhà soạn nhạc Jonathan Larson trước khi ông nổi tiếng. Jonathan đã sống một đời ngắn ngủi nhưng bừng sáng, chỉ kịp để lại cho đời hai tác phẩm nhạc kịch là Tick, Tick… Boom!Rent, nhưng đã giúp thay đổi cái nhìn đương thời về một vở nhạc kịch phải như thế nào.

jonathan-larson

Gọi là phim chuyển thể vì vốn Tick, Tick… Boom! là vở nhạc kịch độc tấu tự sự của Jonathan Larson vào tháng 9/1990, thời điểm diễn ra sau và để kể lại thời điểm anh viết Superbia trong phim. Phim đã chuyển thể hoàn hảo hình ảnh Larson từ chiếc áo màu cháo lòng đến nhiệt huyết bùng cháy nhờ diễn xuất của Andrew Garfield.

Andrew không có kinh nghiệm diễn phim ca nhạc, nhưng trước đây anh đã đóng nhiều vai như Jon: lương thiện, nhiệt huyết, cứng đầu. Andrew cũng không cần phải hát quá kỹ thuật bởi Larson cũng không phải là một ca sĩ. Từ điệu nhảy, biểu cảm cho đến cử chỉ của Andrew đều rất duyên dáng và đồng điệu với bạn diễn.

ticktickboom-andrew-2

Vốn là một diễn viên có thực lực, Andrew đã dễ dàng tái hiện lại năng lượng gấp gáp, đam mê của Larson trước ngưỡng 30 tuổi, “già hơn Steven Sondheim khi ra mắt vở nhạc kịch Broadway đầu tiên, già hơn Paul Mc Cartney khi ông viết bài hát cuối cùng với John Lennon”. Vâng, Jon ép mình phải làm được gì đó trước tuổi 30, để còn trả tiền nhà, để biết liệu mình có đang đi đúng hướng.

ticktickboom-andrew

Dễ thấy trong Tick, Tick… Boom! là nỗi trăn trở phải “làm được việc” trước một mốc tuổi nào đó, khi bạn bè đã ổn định với công việc lương 6 con số, mọi người cơ bản biết mình muốn làm gì vào thời điểm hiện tại, Jon vẫn loay hoay viết một vở nhạc kịch trong suốt 8 năm và một tuần trước buổi diễn thử tại workshop, anh phải sáng tác cho được ca khúc chủ chốt, ca khúc mà nhà soạn kịch Stephen Sondheim khuyên anh nên viết để tạo bước ngoặc cho tác phẩm.

stephen-sondheim
Sondheim ngoài đời (trái) và qua sự thể hiện của Bradley Whitford (phải)

Nhờ vào lời đóng góp chân thành của cây đại thụ Stephen Sondheim, Jon đã có sức mạnh để cố gắng thêm trong 2 năm. Đó cũng là tình hình chung của mọi con người làm nghệ thuật, đôi khi tất cả những gì họ cần là một lời động viên, trân trọng thành quả của họ, để họ có thể sống tiếp trên con đường nghệ thuật. Bản thân Sondheim cũng từng được nâng đỡ bởi một người khổng lồ Broadway khác là Oscar Hammerstein II. Người giỏi thật sự sẽ không chà đạp thế hệ sau mà sẽ tôn trọng và ủng hộ, để họ có thể đi tiếp con đường như mình đã đi.

tick-tick-boom-sunday-1

Qua bàn tay của dân chuyên nghiệp như Lin-Manuel Miranda (Hamilton, In The Heights), Tick, Tick… Boom! trở nên là một phim nhạc kịch chỉn chu, duyên dáng, nơi tất cả diễn viên đều có chỗ thể hiện tài năng và tỏa sáng. Bạn có thể muốn xem phim này vì Andrew Garfield, nhưng chắc chắn sẽ phải vỗ tay vì Robin de Jesús trong vai người bạn thân Michael của Jon.

tick-tick-boom-michael

Cũng phải nói thêm vào thời điểm năm 1989 vẫn tồn tại nhiều định kiến đối với cộng đồng LGBTQA+, chủ yếu vì mọi người đón nhận sai thông tin rằng người đồng tính dễ mắc AIDS hơn đối tượng khác do quan hệ tình dục không an toàn. Những người bạn xung quanh Jon đều là những người trẻ chưa tới 27, mắc hội chứng hiểm nghèo, cộng với hiểu biết thời đó chưa phát triển như bây giờ nên họ đã ra đi quá sớm.

Phản ứng gay gắt từ Thượng nghị sĩ Jeese Helms và cả sự tồn tại của Moral Majority (một tổ chức thực hiện chiến dịch phản đối những vấn đề họ cho là trái luân thường như phá thai, ly hôn và cả đồng tính) đã gây áp lực lên những người như Michael, từ đó dẫn đến màn diễn đầy cảm xúc, cất lên tiếng nói cho những người còn thua thiệt quyền lợi vào thời điểm đó.

FEATURE-Tick-Tick-Boom

Tick, Tick… Boom! không chỉ là vở nhạc kịch nói về nghiệp viết nhạc kịch, mà còn thấm đẫm tình bạn, tình yêu, sự hy sinh. Jon lao đầu vào để hoàn thành cho xong workshop đầu tiên của mình, nhưng cũng đồng thời quên đi những người xung quanh mình là Michael và người yêu Susan. Chỉ đến khi dãn ra, kết nối trở lại với cuộc sống xung quanh, Jon mới có thể viết được ca khúc quan trọng và sau đó là nhạc kịch Tick, Tick… Boom!, kể về cuộc đời anh.

tick-tick-boom-screenshot

Thực hiện một tác phẩm dựa theo cuộc đời mình không phải là lý tưởng tồi và đã được nhiều tác giả áp dụng làm nên những bộ phim, kịch để đời. Mọi kịch bản sẽ có gì đó na ná nhau, nhưng câu chuyện về đời bạn là thứ độc đáo không ai có thể tái hiện ngoài chính bạn. Một tác phẩm nghệ thuật bán được, chữ “bán được” ở đây không mang ý nghĩa tầm thường về vật chất, mà đó còn là khả năng chạm đến lòng người của tác phẩm ấy.

Đó là loại tác phẩm không quá xa vời, nó là thứ ai cũng hiểu được nhưng điểm khác biệt giữa người thường và nhà soạn nhạc đó là nhạc sĩ có khả năng quan sát và nắm bắt, biến thứ đời thường ấy thành nghệ thuật mà thôi. Bài hát Sunday trong Tick, Tick… Boom! là ví dụ, khả năng phổ nhạc về mọi thứ của Jon là ví dụ.

tick-tick-boom-sunday-2

Đọng lại trong Tick, Tick… Boom! là trăn trở của mỗi nhân vật về con đường họ chọn. Có nên dùng tài năng của mình để kiếm một công việc trong tòa nhà cao tầng kia, kiếm thật nhanh nhiều tiền và dẹp bỏ thứ gọi là lương tâm nghệ sĩ đi. Hoặc là quyết dấn thân, ngậm đắng nuốt cay để theo đuổi đam mê, thực hiện điều mình hằng tin tưởng. Xem Tick, Tick… Boom! rồi người viết mới càng thấm thía, rằng có những nền văn minh được xây dựng nên bởi những con người như Jonathan Larson, họ quyết chết đói mà để lại di sản có giá trị.

Nhưng mấy ai có thể làm được như vậy? Và có nhất thiết phải như vậy? Tick, Tick… Boom! thể hiện quan điểm rất cân bằng về vật chất và nghệ thuật, cái nào cũng cần thiết cả. Con đường nghệ thuật không trải toàn hoa hồng mà bạn phải thanh toán hóa đơn thì mới ngồi viết nhạc được. Còn nếu quyết dập chết ngọn lửa trong mình để an phận thủ thừa bên trong tòa cao ốc, bạn cũng sẽ hối tiếc. Như người bạn Michael đã nói với Jon:

Tớ chỉ là diễn viên xoàng thôi. Biết ở New York này có bao nhiêu diễn viên như tớ không? Nhưng có bao nhiêu Jonathan Larson? Chỉ một thôi.

Michael – Tick, Tick… Boom!
error: You are not allowed to copy this page, Thank you!