Bạch tuộc khoan vỏ sò như thế nào?
Đôi khi đi dạo trên những bãi biển hoang sơ, người ta có thể bắt gặp những vỏ sò hoặc ốc có những lỗ tròn hoàn hảo như được khoan bởi một dụng cụ hiện đại của loài người. Nhưng không, đó là những gì còn sót lại của những con mồi xấu số từng bị bạch tuộc xơi tái, với một cái chết từ từ và không thể tránh khỏi.

Bạch tuộc là một trong những loài thông minh nhất ở đại dương, chúng có thể khôn lỏi hơn cả cá heo. Não bạch tuộc có lượng neuron ở mức cao so với những loài không xương sống khác, vì vậy chúng có cá tính riêng, biết sử dụng công cụ thô sơ khi kiếm ăn, hoặc biết cách vặn mở nắp lọ cả từ bên trong và bên ngoài.
Không chỉ được tạo hóa ban tặng cho hệ thần kinh phát triển, sự linh hoạt và khả năng ngụy tranh tài tình, bạch tuộc còn có nhiều thứ vũ khí giúp chúng chiếm ưu thế dưới biển sâu. Một trong số đó là cái mỏ siêu cứng và một mũi khoan nguy hiểm chứa chất độc gây tê liệt con mồi.

Bạch tuộc biết cách bắt và ăn nhiều con mồi khác nhau, nhưng món ưa thích của chúng luôn là cua, ốc hoặc sò – con mồi giàu dinh dưỡng. Các nhà khoa học ước tính dường như từ 50 đến hơn 75 triệu năm trước, bạch tuộc đã phát triển đặc biệt để thích nghi để bắt và ăn con mồi có vỏ cứng.
Thứ vũ khí đáng gờm của một loài thông minh
Khi tóm được một con cua, hoặc ốc có vỏ quá dày để có thể tách ra bằng xúc tu của nó, bạch tuộc sẽ áp dụng một chiến thuật khác, nó ôm lấy con mồi, dùng cái mỏ cứng nằm giữa 8 cánh tay để giữ chặt và dùng bộ phận bên trong miệng gọi là lưỡi bào (radula) chứa một cái nhú gai (salivary papilla) để khoan vào con mồi.

Nhú gai của bạch tuộc khoan xuyên vỏ sò hoặc ốc với tốc độ khá chậm, nó mất khoảng 3 giờ để khoan xuyên lớp giáp của con mồi, nhưng đó là một lỗ khoan hoàn hảo và con bạch tuộc sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với công sức mà nó đã bỏ ra. Lúc này, nó dùng cái lưỡi bào chọc vào lỗ và tiêm một thứ độc gây tê.
Chất độc đó không chỉ làm tê liệt thần kinh, nó còn giúp giãn cơ và “hòa tan” một phần, khiến con sò hoặc ốc dần buông lỏng vỏ của nó, để lộ toàn bộ phần thịt bên trong cho bạch tuộc đánh chén. Đó là một quá trình dài, kinh tởm và chết chóc mà một con mồi xấu số của bạch tuộc sẽ phải chịu đựng.

Bởi vì bạch tuộc là loài thân mềm, khi chết, nó sẽ hoàn toàn bị phân hủy, chỉ để lại một cái mỏ cứng bằng kitin, thế nên rất khó để nghiên cứu vì không có mẫu vật hóa thạch của nó. Vì vậy, các nhà khoa học chuyển sang nghiên cứu các loại vỏ sò vỏ ốc từng là nạn nhân của bạch tuộc.
Những kết quả nghiên cứu trên một số ít các mẫu vật có niên đại khoảng 95 triệu năm trước cho thấy có rất ít thay đổi trong cấu trúc cơ bản từ loài bạch tuộc cổ đại đến hiện đại, tức là chúng đã sớm phát triển những năng lực mạnh mẽ và thú vị này từ rất rất sớm, ngay từ thời Đại Trung sinh.
(Đọc thêm bài viết thú vị về thế giới động vật)