Hãy cẩn thận khi thực hành Kuman Thong
Mình đọc được bài viết của báo Công An Nhân Dân về việc Vận động học sinh bỏ nuôi, mua bán “Búp bê Kuman Thong” nên mình cũng muốn tổng hợp một bài về việc vì sao các bạn trẻ nên nghe lời khuyên của các chú công an mà ngưng thực hành các hành vi tâm linh liên quan tới Kuman Thong, vì nó có thể nguy hiểm, chủ yếu là các bạn chưa hiểu về bản chất của hành vi này, nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Cụ thể, “Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh nội địa – Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện tình trạng học sinh của một số trường trung học cơ sở trên địa bàn mua, nuôi và buôn bán “Búp bê Kuman Thong”. Khi tham gia vào việc mua bán, nuôi “Búp bê Kuman Thong”, việc học tập và sinh hoạt của các cháu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cá biệt, một số học sinh tham gia nuôi “Búp bê Kumathong” để cầu xin trúng số lô, số đề…
Vì thế, cùng với việc đấu tranh, ngăn chặn; cần phải phối hợp với nhà trường, gia đình tuyên truyền, vận động các học sinh nuôi “Búp bê Kuman Thong” hiểu được bản chất mê tín dị đoan của hiện tượng này, không tham gia mua bán, sử dụng “Búp bê Kuman Thong”. – Theo Báo Công An Nhân Dân. Vậy thì Kuman Thong có thể tiềm ẩn nguy cơ gì? Bài viết này mình sẽ nêu ra một số thông tin trên góc nhìn của người tìm hiểu về tâm linh.
Bản chất của Kuman Thong là thuật chiêu hồn
Kuman Thong (tiếng Thái: กุมาร ทอง) là một vị thần hộ mệnh trong tôn giáo dân gian Thái Lan. Nó được cho là sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ nếu được tôn sùng đúng cách. Kuman, hoặc Kumara (tiếng Pali) có nghĩa là “Cậu bé được thánh hóa” (trường trường hợp là nữ, nó được gọi là Kumari) còn “Thong” có nghĩa là “vàng”, tức là Cậu bé vàng, hoặc Cô bé vàng.
Những thực thể Kuman Thong thường được tôn thờ để vâng lời những người thờ cúng vì lợi ích cá nhân, mang tới sự bảo vệ, của cải và thậm chí có thể dùng để hại người trong một số trường hợp. Tuy nhiên cần lưu ý là có thể có hậu quả đối với mỗi yêu cầu, tức là bạn được cái này, phải mất cái khác. Trên thực tế, việc thờ cúng Kuman Thong KHÔNG PHẢI VÀ CHƯA BAO GIỜ là một phần của các phương pháp thực hành Phật giáo chính thống, mặc dù nó phổ biến ở Thái Lan, một quốc gia Phật giáo.
Tất cả các hệ phái tu tập Phật giáo chính thống không công nhận phương pháp thực hành Kuman Thong vì sự đáng sợ và nguy hiểm của nó. Tuy nhiên, do niềm tin vào thuyết duy linh phổ biến ở Thái Lan, những người tôn thờ Kuman Thong đã áp dụng niềm tin Phật giáo và trộn lẫn cả hai với nhau, chủ yếu là để tư lợi cho chính họ, khiến cho rất nhiều người khác bị nhầm lẫn.
Kuman Thong đích thực bắt nguồn từ một phương pháp thực hành thuật chiêu hồn (Necromancy). Chúng được lấy từ những bào thai đã nạo sấy của những đứa bé chết khi còn trong bụng mẹ (thai chết lưu). Các pháp sư được cho là có quyền năng gọi hồn những đứa trẻ chết lưu này, cho chúng nhập vào búp bê, hình nhân của một ai đó… để họ nhận chúng làm con và sử dụng chúng để giúp đỡ họ trong cuộc sống.
Thuật chiêu hồn nói chung là việc thực hành ma thuật liên quan đến người chết, bằng cách triệu hồi linh hồn của họ với mục đích bói toán, truyền đạt các phương tiện để báo trước các sự kiện trong tương lai, khám phá kiến thức ẩn, để đưa ai đó từ cõi chết trở về hoặc sử dụng người chết làm vũ khí. Đôi khi được gọi là “Death Magic” (Ma Thuật của Cái Chết), thuật ngữ này đôi khi cũng có thể được sử dụng theo nghĩa chung hơn để chỉ ma thuật đen hoặc phù thủy.
Quá trình thực hành đáng sợ và phản cảm
Theo các văn bản viết tay cổ của Thái Lan được sử dụng bởi những người thực hành ma thuật đen (tiếng Thái: ไสยศาสตร์ – Saiyasat), đầu tiên thai nhi chưa được sinh nở đã được lấy ra khỏi tử cung của người mẹ. Sau đó, thi thể của đứa trẻ sẽ được đưa đến một nghĩa trang để tiến hành nghi lễ thích hợp để tạo ra một Kuman Thong. Nó được sấy cho đến khi khô đét trong khi pháp sư tụng những câu thần chú và viết những chữ viết ma thuật lên nó.
Sau khi nghi thức hoàn thành, Kuman Thong đã sấy khô được sơn lên bằng Ya Lak (một loại sơn mài có bột vàng, hoặc vàng lá, dùng để phủ lên bùa hộ mệnh). Vì vậy, hình nộm này được đặt tên là “Kuman Thong”, có nghĩa là “Cậu bé vàng”, cái tên này xuất phát từ chính công đoạn sơn phết vàng nói trên. Một số Kuman Thong còn được ngâm trong Nam Man Phrai, loại dầu được chiết xuất bằng cách đốt ngọn nến gần cằm của một đứa trẻ đã chết, hoặc một người chết trong hoàn cảnh bạo lực hoặc không tự nhiên.
Phương pháp đó hiện nay ít phổ biến hơn nhiều, bởi vì sự dã man của nó khiến chính phủ Thái Lan phải ngăn cấm, sẽ là bất hợp pháp nếu bất kỳ ai sử dụng chất béo từ trẻ sơ sinh để làm dầu. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng vẫn có một số bùa hộ mệnh được làm thông qua các phương pháp trên. Vào năm 2008, một nhà sư nổi tiếng đã bị trục xuất khỏi Tăng đoàn Phật giáo Thái Lan vì đã sấy khô một bào thai. Ông ta đã bị kết án tù, nhưng sau đó tiếp tục làm phép thuật với tư cách là một giáo sĩ sau khi được thả.
Nguy cơ đến từ thú chơi mê tín dị đoan
Mọi thứ đều có hai mặt của nó, bản thân việc “nuôi” Kuman Thong đôi khi được những người thực hành diễn giải rằng nó có thể giúp những đứa trẻ sơ sinh bị cha mẹ nhẫn tâm bỏ rơi, những thai nhi chết lưu bị vứt đi nơi bệnh viện… có thể có được một gia đình mới, một danh tính mới, bù đắp cho sự thiếu may mắn của chúng. Đó có thể xem là một khía cạnh nhân đạo của hiện tượng này. Tuy nhiên, nó cũng có những vấn đề rất nghiêm trọng đi kèm.
Thứ nhất, nó có thể biến tướng thành hành vi lừa đảo và nặng hơn là hành vi tội phạm sát nhân rất nguy hiểm. Để có được “nguyên liệu” làm Kuman Thong và bán kiếm lời, nhiều kẻ sẵn sàng phạm tội. Kuman Thong từng được nhắc đến trong truyền thuyết Thái Lan về Khun Chang Khun Phaen, khi mà nhân vật Khun Phaen đã sát hại người vợ đang có mang của mình để lấy thai nhi.
Vào năm 2011, vụ án mạng được báo cáo ở Lào về một người đàn ông giết người vợ đang mang thai của mình để lấy bào thai làm “Lord Louk” – một hình thức tương tự Kuman Thong. Có thể nói, đã xảy ra nhiều vụ sát hại, hoặc sở hữu thai nhi bằng một cách bất hợp pháp hoặc man rợ nào đó. Vì bán Kuman Thong có thể kiếm lời nên nhiều kẻ đã bất chấp để có được “nguyên liệu”.
Thế nên, trong trường hợp bạn mua về một Kuman Thong mà không may nó lại là sản phẩm của một vụ án, hoặc một hành vi cố sát để lấy thai nhi, thì thay vì giữ được khía cạnh nhân đạo ban đầu, bạn đang sở hữu một oán linh. Bởi đứa bé này có thể đã được sống một cách bình thường, nhưng vì nhu cầu sở hữu Kuman Thong của nhiều người, mà kẻ gian đã gây ra án mạng để sở hữu nó thì sao? Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra cho mình khi sở hữu một oán linh như vậy?
Thậm chí ngay cả một hình thức được cho là “ít rủi ro” hơn Kuman Thong ví dụ Luk Thep, một dạng búp bê có hình dạng trẻ em (nhưng không phải từ trẻ em thật như Kuman Thong) thì cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ. Một số người tin rằng những con búp bê có thể được cho nhập vào linh hồn của một đứa trẻ sau khi được một nhà sư Phật giáo hoặc pháp sư ban phước. Nhưng bạn có đảm bảo được nguồn gốc của con búp bê này, hoặc sự uy tín của kẻ đã bán nó cho bạn hay không hay chỉ đơn giản là những lời chào mời đầu môi chót lưỡi?
Chủ nhân của Luk Thep cung cấp sự chăm sóc như thức ăn, nước uống và quần áo “với hy vọng nhận lại may mắn”, một số công ty hoặc cơ sở kinh doanh còn cung cấp cho chủ nhân của những con búp bê những dịch vụ riêng cho chúng. Tuy nhiên, bạn có chắc rằng Luk Thep của mình được pháp sư cho nhập vào một linh hồn trẻ thơ thiện lương cần nơi nương tựa không? Hay linh hồn đang ẩn trong con búp bê của bạn là một thứ gì đó khác, đầy thù hận và không rõ đến từ đâu?
Điều mình muốn nhắc nhở là hãy luôn đặt câu hỏi như vậy khi tham gia vào bất kỳ phương pháp thực hành tâm linh nào, đặc biệt là khi nó có liên quan đến linh hồn người đã khuất và thuật chiêu hồn. Các chủ đề tâm linh luôn khiến con người hiếu kỳ, nhưng hiếu kỳ để tìm hiểu, để nghe nó như một câu chuyện thì không có gì để nói, nhưng để thực hành nó chỉ với sự tò mò mà không thông qua một quá trình nghiên cứu nhất định thì chính là rước họa vào thân.