Oppenheimer của Nolan gặt hái nhiều thành công và sẽ còn được bàn luận trong nhiều năm tới nữa
Oppenheimer đúng nghĩa là một tựa phim hay, tức là nó hay theo mọi nghĩa, chuẩn mực ở nhiều khía cạnh. Gọi nó là siêu phẩm thì cũng không ngoa, nhưng mình thường tránh dùng những từ như vậy theo kiểu báo chí giật tít câu view, tạo thiên kiến, hoặc các fanpage vô thưởng vô phạt không phân tích được nhiều nhưng cứ nhét những mỹ từ sáo rỗng để lôi khán giả ra rạp. Nếu chưa xem, các bạn có thể đọc bài tổng hợp nội dung liên quan của phim này trước.
Điều quan trọng đối với Biographical Film là nó phải đóng khung được câu chuyện về cuộc đời của một con người, hoặc ít nhất là những năm tháng quan trọng nhất trong cuộc đời họ, rồi diễn giải câu chuyện ấy theo một cách phù hợp. Buộc phải kịch tính hóa để tránh nhàm chán, khô khan, thu hút được khán giả đại chúng, nhưng Oppenheimer vẫn đủ trung thực với câu chuyện gốc, để có thể giữ được bản chất là một tác phẩm non-fictional.
Chắc chắn Oppenheimer đã làm được điều đó. Tựa phim này có kịch bản phù hợp, đâu ra đấy, nhờ được chuyển thể từ quyển sách tiểu sử American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer của Kai Bird và Martin J. Sherwin, ghi lại sự nghiệp của nhà vật lý lý thuyết người Mỹ mà thành tựu của ông đã góp phần định hình cho sự phát triển của nhân loại.
Cho đến nay, Nolan đã làm được 12 tựa phim và Oppenheimer dễ dàng nằm trong Top 5 những phim tốt nhất của ông, với dấu ấn và phong cách làm phim độc đáo đã trở thành thương hiệu, bao gồm khám phá các khái niệm về không gian, thời gian, ký ức, danh tính, thành tựu, góc khuất và bản sắc cá nhân của nhân vật, kết hợp với phần âm thanh và âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng.
Nguyên tác của Kai Bird và Martin J. Sherwin được mô tả là: “sừng sững như đỉnh Everest giữa hàng núi sách về dự án bom nguyên tử và Oppenheimer, một thành tích khó có thể vượt qua hoặc sánh ngang” – tựa phim của Nolan cũng như vậy, nó là ví dụ cho thấy sự thành thạo của một bậc thầy, chuyên gia đầu ngành. Tựa phim dài 3 giờ không có chi tiết thừa và không phải tự nhiên mà BBC bình luận rằng Oppenheimer là tác phẩm giàu trí tưởng tượng đến mức táo bạo và là tác phẩm trưởng thành nhất của Nolan.
Mình đã xem phim một cách hào hứng từ đầu tới cuối với những cung bậc cảm xúc khác nhau và luôn tập trung để đón nhận những diễn biến mới nhất trên màn ảnh. Oppenheimer diễn ra với ba tuyến truyện chính mà người xem cần nắm rõ:
1- Phiên điều trần của Oppenheimer trước Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Hoa Kỳ, nơi ông sẽ không được thông qua Cecurity Clearance vì bị nghi ngờ về lòng trung thành, chủ yếu do thái độ phản đối tiếp tục phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đi ngược lại với khuynh hướng của chính phủ Mỹ trong một giai đoạn lịch sử nhạy cảm.
2- Thời trẻ sôi nổi từ lúc còn đi học, với các mối quan hệ lãng mạn và đồng nghiệp, cho đến lúc Oppenheimer tham gia vào các diễn biến của Dự án Manhattan cùng tướng Leslie Richard Groves và chỉ đạo Thử nghiệm Trinity thành công, dẫn đến sau đó là vụ thả bom hạt nhân ở Nhật Bản khiến ông rơi vào vòng xoáy tội lỗi.
3- Phiên điều trần Lewis Strauss – Chủ tịch Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Hoa kỳ (Robert Downey Jr. thủ vai), là kẻ đã có thiên kiến và dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín của Oppenheimer, kết quả sau đó là Oppenheimer được khôi phục danh dự khi đã về già, mặc dù theo lời Albert Einstein thì đó cũng chưa bao giờ là một chiến thắng.
Phim của Nolan tôn trọng tư liệu gốc, nó trình bày cả “Triumph” và “Tragedy” của Oppenheimer, một ngôi sao sáng đầy tham vọng trong giới khoa học, người hậu bối đã thách thức cả thành tựu của Einstein, nhưng cũng là con người bình thường, một gã trai sát gái, đa cảm, bất an, cuối cùng là trầm cảm và lạc lõng, mất kết nối giữa chính dân tộc, tổ quốc, đồng nghiệp và người thân của mình.
Cả Florence Pugh và Emily Blunt đều tuyệt vời trong vai diễn của họ, hai người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời của Oppenheimer, họ đã cho người đàn ông này những phút giây nồng cháy, chịu đựng, cảm thông lẫn ám ảnh… mà đã có tác động đến các quyết định và diễn biến tâm lý của Oppenheimer. Sau lưng những người đàn ông như Oppenheimer luôn có một (hoặc nhiều) những người phụ nữ như vậy, nếu họ không được thể hiện lên màn ảnh, thì chúng ta không thể nào hình dung được sự hy sinh và nỗi khổ của họ.
Cillian Murphy thì có diễn xuất thực sự xuất thần, ngôi sao Peaky Blinders có phong độ trầm ổn xuyên suốt bộ phim với những thay đổi về nét mặt và ánh mắt trong từng giai đoạn là vô cùng rõ rệt. Anh là diễn viên tài năng ít khi có dịp thể hiện trên màn ảnh rộng, mà chỉ có thể trông chờ vào số mệnh để đưa quỹ đạo sự nghiệp của anh và Nolan gặp nhau ở Oppenheimer với một vai chính mang tính lịch sử, cả trong điện ảnh Mỹ lẫn trong sự nghiệp của Cillian Murphy.
Robert Downey Jr. lại sở hữu giây phút tỏa sáng của riêng mình với màn độc diễn trong một phân cảnh phim trắng đen khiến người xem chết lặng, cả vì nội lực khủng khiếp trong diễn xuất lẫn khả năng nhả thoại và nhập tâm vào một nhân vật có diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp là Lewis Strauss. Có nhiều lý do để nhân vật này không thích Oppenheimer, phần lớn là do sự nghiệp theo đuổi học thuật không suôn sẻ và bất đồng quan điểm chính trị.
Dù ông rất đam mê vật lý nhưng chưa bao giờ được học đại học, không bao giờ có cơ hội theo đuổi giáo dục chính quy từ thời trai trẻ chứ đừng nói là thành giáo sư tiến sĩ gì… Leo lên vũ đài chính trị bằng con đường làm công ích, buôn bán và hoạt động nhân đạo, Lewis Strauss luôn tự ti trước thành công từ con đường học thuật hàn lâm của Oppenheimer. Đây là một lý do lớn khiến Strauss tị hiềm vụn vặt và tìm cách công kích, hạ bệ Oppenheimer.
Oppenheimer cũng đưa ra những hình ảnh tương phản của những con người thuộc những nhóm có vai trò khác biệt trong xã hội, cụ thể ở đây là chính trị gia và khoa học gia.
Chính trị gia là những kẻ mưu mô, tàn nhẫn và máu lạnh, nhưng họ cũng bị đè nặng bởi quyết định gánh vác cả dân tộc và sinh mạng hàng triệu con người, như Truman chẳng hạn – một tổng thống thời chiến, ông tự biết mình là kẻ mà đôi tay vấy máu không thể nào lau sạch. Có lẽ không ai có thể hiểu nổi sức nặng của vị trí đó.
Khoa học gia thì ngược lại, trong mắt người thường họ có thể là con người của lý trí và những con số hoặc các phép toán và phương trình, nhưng trên thực tế là họ rất cảm tính, mong manh và đôi khi mê tín. Khoa học là một tôn giáo còn các khoa học gia là một tín đồ, mà họ thì lại ngây thơ về chính trị.
Điều thú vị và cả đáng sợ ở đây là vận mệnh của tất cả chúng ta phụ thuộc vào những chính trị gia và khoa học gia, những người mà sự lựa chọn của họ, cũng như cách mà họ tương tác với nhau (dù hoàn toàn không hiểu được bản chất của nhau) lại sẽ quyết định xem nhân loại này sẽ lụi tàn hay bước tiếp?
Phim rất căng thẳng, Nolan từng nói: “…có một sự sợ hãi tồn tại trong lịch sử và nó cũng hiện diện trong nền tảng của tựa phim này”, thực sự nếu mà chúng ta hiểu về bối cảnh lịch sử rất nhạy cảm trong Thế chiến II và Chiến Tranh Lạnh thì sẽ hiểu được vì sao một số nhà làm phim và phê bình cho rằng Oppenheimer có yếu tố kinh dị.
Oppenheimer đã tái hiện một khoảnh khắc trong lịch sử mà số phận của nhân loại rất mong manh, nó có thật và đã xảy ra ly kỳ như vậy. Còn việc phán xét đúng hay sai, xét lại xem ai đáng khen, ai đáng trách, ai đáng cảm thông hoặc trừng phạt, thì đó là do chính người xem quyết định sau khi có trải nghiệm cá nhân với phim này vậy.
Cuối cùng xin cảm ơn dàn cast toàn sao, họ góp phần khiến tựa phim thành công và trọn vẹn đến mức xem xong mình còn muốn trả thêm tiền. Có những diễn viên nổi tiếng dù chỉ vào vai phụ nhưng tên tuổi họ thôi là đủ để bảo chứng cho một tựa phim hay, như Rami Malek hay Gary Oldman chỉ có thời lượng rất ít, nhưng khi xuất hiện thì đều tỏa sáng và chiếm cứ màn ảnh.