Demon Pond (tựa Nhật: 夜叉ケ池 Yasha-ga Ike) của đạo diễn Shinoda Masahiro suýt bị lãng quên cho đến khi được khôi phục và phát hành chất lượng 4K ra nước ngoài năm 2021. Nhờ vậy, chúng ta mới có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hư ảo và màn trình diễn xuất chúng của dàn diễn viên gạo cội, đặc biệt là onnagata Tamasaburo Bando V trong hai vai Yuri và Công Chúa Rồng Shirayuki.
Yếu tố kịch sân khấu trong phim
Onnagata (女形/女方) là nam diễn viên đảm nhận vai nữ trong nghệ thuật sân khấu kịch kabuki. Điều này diễn ra từ năm 1629 khi chính quyền cấm nữ giới diễn kabuki để ngăn tình trạng mại dâm cũng như bạo lực khi các kim chủ tranh giành nữ diễn viên. Thế nhưng, lệnh cấm không chấm dứt được tình trạng trên bởi vì nam diễn viên cũng được cả hai giới yêu thích. Cho đến năm 1942, onnagata cũng bị cấm luôn, nam giới chỉ được diễn vai nam. Năm 1944, lệnh cấm được gỡ bỏ và đến tận ngày nay, các đoàn Kabuki vẫn duy trì toàn bộ diễn viên nam.
Đối với những ai am hiểu văn hóa Nhật, việc Tamasaburo đóng vai nữ trong phim điện ảnh có lẽ không có gì khó hiểu, nhất là Demon Pond vốn chuyển thể từ tác phẩm kịch của Izumi Kyōka. Nhưng khán giả phương Tây lại có vẻ sốc, một phần bởi họ không biết tên tuổi Tamasaburo, cũng như phong cách diễn kabuki sử dụng trong phim. Nhìn chung, ngoại trừ giọng nói đôi khi khiến ta nhận ra nam diễn viên, còn lại thì diễn xuất trang nghiêm, đầy khí chất thần tiên của Tamasaburo mang lại cho bộ phim nét thẩm mỹ độc đáo.
Truyền thuyết Demon Pond
Quay lại nội dung, Demon Pond dựa theo truyền thuyết gắn liền với địa điểm có thật, hồ Yashagaike tại Minamiechizen, Fukui-ken. Hồ này nằm trên đỉnh núi cách mặt nước biển 1100m và từ thời xa xưa chưa hề bị cạn khô. Tương truyền tại hồ này có vị thần rồng ban mưa thuận gió hòa cho dân làng gần đó, đổi lại thần bắt con gái trưởng làng về làm vợ. Hồ nước kì bí này từ trước đến nay luôn là điểm đến của dân mê leo núi, cũng như là nơi trú ngụ của hệ sinh thái động thực vật độc đáo.
Tương tự, Đầm Dạ Xoa trong phim cũng là nơi trú ngụ của tộc Rồng, từ nhiều đời bị trói buộc bởi lời thề với dân làng không bao giờ rời khỏi hồ. Nếu những vị thần rời bỏ vùng hồ, một cơn lũ sẽ trào lên nhấn chìm cả ngôi làng. Thảm họa sẽ không xảy ra nếu đều đặn mỗi ngày người dân đánh chuông ba lần vào mỗi buổi bình minh, hoàng hôn, nửa đêm, để nhắc nhớ các vị thần về lời thề năm xưa.
Đều đặn hàng trăm năm đều có người đánh chuông, cho đến khi hạn hán kéo dài khiến dân làng không còn tin tưởng vào thần thánh hay những câu chuyện dân gian. Đối với họ, thà chịu một cơn lụt còn hơn không có nước uống. Cơn đói khát khiến họ mất đi phần người, lẫn mang tiêu chuẩn kép: xem việc đánh chuông là mê tín nhưng lại muốn hiến tế một người vô tội để cầu mưa. Phim thẳng thắn bày tỏ thái độ misanthrope (thù ghét loài người) ở nhân vật chính con người lẫn phía thần linh.
Công Chúa Rồng Shirayuki tương tư hoàng tử hồ Senja ở Kengamine đến mức quên cả làm mưa. Vì lời thề tổ tiên mà không thể rời đi, nàng rất tức giận, sẵn sàng phá vỡ giao ước để được bên cạnh người yêu, không thèm quan tâm đến dân làng. Màn đấu tranh giữa công chúa và người hầu cận rất ấn tượng. Ta hiểu được rằng, thần linh cũng chẳng khác con người là mấy, họ cũng khao khát, căm hờn, ích kỷ, cũng chưa chắc biết giữ chữ tín. Điều quan trọng là lựa chọn sau cùng của họ đã giúp dân làng thoát chết hết lần này đến lần khác.
Nếu đã đọc qua thần thoại Nhật Bản, hẳn bạn sẽ không lạ gì những màn giận dỗi của các vị thần trong Thần đạo nước này. Nữ thần Mặt Trời Amaterasu lại chẳng từng vì giận em trai mà nhốt mình trong Thiên Nham Cung, khiến thế giới chìm trong tăm tối? Khác với Amaterasu, Shirayuki vẫn níu kéo được chút tinh thần trách nhiệm của mình, một phần cũng nhờ sự hiện diện của Yuri đánh động tâm can nàng. Cô nhận ra rằng cơn lũ ngoài giết chết đám cặn bã, còn có thể vạ lây những con người trong sáng như Yuri.
Yuri là một tồn tại thánh thiện đã vô tình cứu dân làng thoát chết nhiều lần. Lần đầu tiên, vẻ đẹp mong manh của cô đã thuyết phục Akira ở lại làm người đánh chuông. Cũng như công chúa, Akira không quan tâm đến dân làng đã mất lòng tin vào thần linh, anh chỉ quan tâm Yuri cũng sẽ cuốn đi theo cơn lũ. Lần hai là khi cô cất tiếng hát khiến Shirayuki đổi ý, không cắt đứt dây chuông. Lần ba là ngay sau đó, Yuri thay chồng gõ chuông nửa đêm, đẩy các vị thần trở lại hồ.
Con người tự kết án tử cho mình khi gây tổn hại đến sinh linh trong sáng duy nhất này. Các vị thần cũng chỉ chờ đợi con người mắc sai lầm như thế. Demon Pond táo bạo đả kích đủ thành phần xã hội không còn giữ được chân tâm: thầy tu Thần Đạo hạ nhục một nữ nhân bằng cách trói cô lõa thể vào con bò, giáo viên đáng lẽ là người tri thức cũng tin vào hủ tục đó, người võ sĩ lực lưỡng ức hiếp một phụ nữ yếu mềm, đi ngược tinh thần võ sĩ đạo. Tất cả được phơi bày trong cao trào gần cuối phim.
Yuri thật sự là ai?
Một điều cá nhân người viết thấy đáng tiếc đó là vai Yuri vẫn do Tamasaburo đóng. Không biết đạo diễn có dụng ý gì khi cho onnagata này đảm nhận hết hai vai nữ quan trọng hay không nhưng thật sự Yuri có thể giao cho nữ diễn viên khác. Ban đầu tôi cứ nghĩ Yuri chính là công chúa dưới hồ, nhưng hóa ra không phải, đây là hai nhân vật hoàn toàn tách biệt. Thế nên, giao cho Tamasaburo cả hai vai dường như không cần thiết mà nên tạo cơ hội cho diễn viên khác.
Thẳng thắn mà nói, ở độ tuổi gần 30 khi đóng Demon Pond, vẻ đẹp của Tamasaburo lẫn kỹ năng diễn kabuki của ông nằm được thể hiện tốt hơn dưới lớp trang điểm dày của thể loại kịch. Còn với vai nàng Yuri xinh đẹp với lớp trang điểm nhẹ nhàng ở nhiều phân đoạn, ta thấy Tamasaburo không phải ở trạng thái tốt nhất. Đôi khi người ta còn phải làm mờ, lóa, mục đích tạo không khí thần tiên, nhưng đồng thời cũng che đi vài đường nét nam tính, chưa kể giọng nói cũng không phù hợp.
Một điều có thể nhiều khán giả thắc mắc nữa, đó là thân phận thật sự của Yuri. Rằng cô có thật sự là yêu tinh rắn? Mặc dù rất muốn giữ sự mơ hồ của câu chuyện, nhưng nếu bạn đọc thật sự muốn một câu trả lời rõ ràng thì người viết mạn phép chia sẻ phán đoán cá nhân đó là Yuri chỉ là một cô gái bình thường, không phải yêu tinh gì cả. Cô chỉ là nạn nhân của những lời đồn độc ác dành cho mọi phụ nữ đẹp sống một mình ở nơi hẻo lánh.
Việc Yuri cố giữ Akira ở nhà có lẽ vì sợ phải ở một mình, như cô từng lẩm bẩm với con búp bê “Đừng để dân làng biết ta một mình đêm nay”. Vẻ đẹp thoát tục của cô sở dĩ là do từ nhỏ sống xa đám đông dân làng, không bị nhiễm ô uế từ lối sống chụp giật của họ. Vẻ đẹp ấy khiến Yamazaki – bạn của Akira có chút xao động và bộc lộc góc tối. Anh làm sao gặp được thần thái này ở chốn thị thành, cộng với quyết định ở lại làm người gác chuông của bạn mình mà anh quy kết Yuri là phù thủy.
Kể cả lời kết tội của tên bắt trộm cá Yoju cũng bắt nguồn từ việc muốn bảo vệ con gái không trở thành vật hiến tế. Sẽ dễ hơn nếu hướng dư luận sang người đàn bà bí ẩn sống lẻ loi trên đỉnh núi. Trước Yuri, thì công chúa Shirayuki chính là nàng thiếu nữ năm xưa bị dân làng hiến tế. Nàng bị trói l.õ.a thể vào một con bò chuẩn bị cho nghi lễ. Nhục nhã đau đớn, Shirayuki xếp củi lên lưng bò rồi châm lửa. Con bò hoảng sợ phát điên chạy về làng và thiêu rụi tất cả.
Shinoda Masahiro là một trong những đạo diễn quan trọng của lịch sử điện ảnh Nhật, thế nhưng tác phẩm của ông chưa được phát hành rộng rãi ra nước ngoài. Một số tác phẩm của ông, ngoài Demon Pond còn có các tác phẩm đầy thử thách khác như “cổ tích người lớn” Under the Blossoming Cherry Trees (1975), Double Suicide (1969), Himiko (1974), phim noir Pale Flower (1961), Silence (1971) – phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Shūsaku Endō. Martin Scorsese đã từng chuyển thể tiểu thuyết này thành phim năm 2016.