Zima Blue có nhiều triết lý đáng suy ngẫm

Zima Blue bắt đầu với cảnh một nữ phóng viên đi tàu xuyên qua không gian vô tận màu xanh biếc của trời và biển ở một hành tinh xa xôi. Cô dường như không thể phân biệt được sự khác nhau giữa màu xanh của tấm vé mời đang cầm trên tay và khung cảnh xanh ngắt của biển trời, bởi nó thật chuẩn xác đến mức kỳ lạ, Xanh Zima – màu sắc huyền bí khiến cả thế giới điên đảo. Nữ phóng viên bắt đầu kể lại câu chuyện của một nghệ sĩ nổi tiếng và quá trình theo đuổi sự hoàn hảo của ông ta, một câu chuyện đầy triết lý đáng suy ngẫm.

Tóm tắt nội dung và bối cảnh của tập phim
Không ai rõ về quá khứ của nghệ sĩ tên Zima, chỉ biết rằng ông đã theo đuổi nghệ thuật qua nhiều cấp độ, từ việc vẽ chân dung rồi vươn đến tầm vóc vũ trụ. Người ta cho rằng ông là một cyborg với cơ thể nửa người nửa máy được chế tác bởi công nghệ hiện đại, Zima có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt ở những hành tinh xa lạ, dù là băng giá hay nham thạch nóng chảy. Ông đã đi khắp mọi nơi để thấy và học hỏi nhiều thứ, tìm hiểu về bản chất của vũ trụ và lý tưởng của đời mình.

Cao trào của tập phim bắt đầu khi có sự thay đổi kỳ lạ trong các tác phẩm nghệ thuật của Zima , một chấm xanh khó lý giải xuất hiện ở giữa mỗi bức tranh. Cùng với sự ra đời của những tác phẩm mới, chấm xanh ấy lại càng lớn hớn, một ngày nọ nó chiếm toàn bộ khung tranh và đây là lúc người xem chạm đến đỉnh điểm của cao trào. Cũng giống như cô phóng viên Claire, chúng ta bàng hoàng trước điều mà Zima sắp làm, đó là một hành vi tự hủy mang tính gây sốc, khiến người xem chấn động mạnh.

Claire cũng như nhiều tổ chức truyền thông khác, được Zima mời đến để ghi lại câu chuyện về đời mình, một câu chuyện kinh thiên động địa nhưng sẽ kết thúc trong sự im lặng và ngỡ ngàng. Zima kể với cô phóng viên câu chuyện về con robot cọ rửa bể bơi, được tạo ra bởi một nữ khoa học gia tài năng nọ. Con robot vốn có nhiệm vụ dọn dẹp đơn giản đã phát triển theo thời gian để trở thành một thực thể AI (trí thông minh nhân tạo) siêu việt có nhận thức, với khả năng mơ ước và suy nghĩ.

Trong một khung cảnh tuyệt đẹp được sắp xếp có chủ đích, Zima lao mình xuống bể bơi và rũ bỏ các bộ phận, để lộ hình dạng robot cọ rửa bể bơi ban đầu của mình. Tập phim kết thúc với cảnh công chúng tiếp tục theo dõi trong sự im lặng, họ choáng váng khi robot bắt đầu dọn dẹp hồ bơi, công việc khi xưa của nó. Màu xanh Zima – thứ đã đã khiến cả thế giới phải khâm phục và bàn tán trên thực tế chỉ là màu của gạch men lót bể, cũng là màu sắc đầu tiên mà Zima đã nhận ra được từ khi còn là một con robot vô tri vô giác.
Một thông điệp rất thẳng thắn và nổi bật
Đậm chất nghệ thuật, đẹp mắt và có nhịp độ thực sự tốt, Zima Blue là một tập phim tuyệt vời và có thể được xem là hay nhất trong cả series Love, Death & Robots. Cuộc hành trình tìm kiếm chân lý của Zima trải qua nhiều quá trình, phân ra làm hai giai đoạn là HƯỚNG NGOẠI rồi tới HƯỚNG NỘI.
Ban đầu, ông dấn thân đi vào những nơi xa xôi và hiểm trở nhất của vũ trụ và sớm nhận ra rằng bản thân vũ trụ đã nói lên sự thật của chính nó, rằng vũ trụ đã lâu đời hơn bất kỳ thứ gì và nó có mục đích tồn tại riêng của nó, như Hegel đã nói, “cái gì có lý tính là hiện thực và cái gì hiện thực là lý tính” (“Whatever is reasonable is true, and whatever is true is reasonable”). Ông ta không còn gì để phải thắc mắc về sự tồn tại hiển nhiên của vũ trụ nữa, việc ra sức lý giải nó là không cần thiết.

Từ đó, Zima thay đổi hướng đi của cuộc hành trình vĩ đại, ông đi ngược lại vào chính nội tâm của mình. Thay vì lý giải thế giới, Zima đã chọn tự lý giải bản thân. Ông bắt đầu nhìn về quá khứ, về nguồn gốc của mình và xác định vị trí bể bơi mà ông đã làm sạch lần đầu tiên.
Đây là lúc ông có thể hiểu điều mình đang tìm kiếm thông qua nghệ thuật của bản thân. Ông trân trọng khởi nguồn là một cỗ máy nhỏ bé thô thiển với hầu như không đủ trí thông minh để tự điều khiển. Nhưng đó là cả thế giới của ông ấy. Dọn dẹp bể bơi là tất cả những gì ông biết, tất cả những gì ông CẦN biết. Về bản chất, sự tồn tại của một con robot cọ rửa bể bơi, nó cũng là hiện thực và có lý như chính sự tồn tại của vũ trụ vậy.

Ý nghĩa trong hành vi của Zima đã khiến mình nhớ đến rất nhiều câu thành ngữ cùng nói đến một vấn đề của của cả phương Đông và phương Tây. Ở đây mình xin được tóm gọn để lý giải thông qua một câu nói tâm đắc của người Trung Quốc là “phản phác quy chân” – tức mang ý xóa bỏ những tô vẽ hoa lệ bên ngoài, khôi phục lại trạng thái mộc mạc nguyên sơ của sự vật/sự việc.
Câu này xuất hiện lần đầu trong Tam Quốc Thư: “Xúc tri túc hĩ, quy chân phản phác, tắc chung thân bất nhục.“, có thể dịch là: Kẻ mới lĩnh ngộ được chút tri thức đã đắc ý sẽ không có bản lĩnh làm nên chuyện lớn, ngược lại người có thể sống tốt một cuộc đời bình thường, như vậy mới là thành công.

“Phản phác quy chân” có thể hiểu là điểm cao nhất cũng chính là điểm xuất phát, mọi thứ rồi sẽ quay về cội nguồn của nó, câu nói này được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Nó cũng truyền tải thông điệp là khi đạt tới cảnh giới thượng thừa rồi, ta sẽ quên đi tất cả những thứ màu mè nhưng vô vị khác, bản thân đã không còn phụ thuộc vào hình thức, chỉ dựa vào khả năng thích nghi trong từng tình huống mà đơn giản xử lý. Cái đơn sơ dễ nắm bắt nhất, lại luôn là cái hiệu quả nhất.
Mặc dù trong mắt người ngoài, hành vi tự hủy của Zima có thể mang tính vị kỷ và cực đoan, tuy nhiên sau tất cả, nó lại chính là niềm hạnh phúc của ông ta. Đôi khi, lý tưởng sống của một bậc vĩ nhân lại chỉ đơn giản đến thế mà thôi. Một lần nữa xin nhắc lại, ý nghĩa của tập phim tuy sâu sắc nhưng không hề quanh co, ngược lại rất thẳng thắn và nổi bật.

Con người luôn tìm kiếm mục đích tồn tại của mình, và mọi thứ chúng ta đặt ra để chinh phục trong cuộc tìm kiếm này đều hướng ra bên ngoài, với xu hướng phóng đại và nghiêm trọng hóa nó lên. Ví dụ như buộc phải đạt được giàu sang, quyền lực, địa vị… thế nhưng liệu nó có đúng đắn? Giống như Zima, đứng trên đỉnh cao của thế giới nhưng ông có hạnh phúc không?
Những bức tranh của Zima là một ví dụ cụ thể cho luận điểm này, ông có thể vẽ những bức họa hoành tráng và chi tiết theo nghĩa đen, một vài tác phẩm to lớn như cả hành tinh, nhưng nó có khiến ông hài lòng hơn là một đốm xanh đơn điệu hay không? Hãy nhìn lại bản thân, những gì mà chúng ta đang có đây, ngay cả khi nó là trần tục đi nữa thì vẫn có thể mang ý nghĩa to lớn hơn nhiều so với những thứ có vẻ hoa mỹ hào nhoáng.

Hãy nghĩ kỹ xem, phải chăng người ta có thể hạnh phúc khi trân trọng con người thật của của mình hơn tạo ra một vẻ ngoài giả tạo, phông bạt, để có vẻ ấn tượng hơn? Zima dường như rất hiểu điều này, bởi ông đã dành cả đời để tìm kiếm những thứ to lớn nhưng lại luôn cảm thấy trống rỗng.
Cái kết gây khó chịu nhưng rất thuyết phục
Tập phim này thực sự quá ấn tượng và là một trong những tập hay nhất của series Love, Death & Robots trên Netflix, nó được chuyển thể từ nguyên tác cùng tên của tác giả người Anh Alastair Reynolds (cũng là người đã viết nên siêu phẩm Beyond the Aquila Rift), thậm chí nó đã làm mình nhớ đến một vài câu nhân sinh luận của tiểu thuyết gia võ hiệp vĩ đại Cổ Long.
“Làm một người bình thường cũng chẳng phải là chuyện đáng bi thương hay xấu hổ. Một người đang bình phàm, nhất định phải đi làm những chuyện y không nên làm, mới là đáng bi ai.” – thật đáng ngưỡng mộ, tại sao những tác giả khác thế hệ và cách nhau nửa vòng Trái Đất với các thể loại tác phẩm khác nhau lại có thể đưa ra những triết lý tương đồng như vậy. Sau khi xem tập phim này, nhiều suy nghĩ, cảm xúc và hoài niệm đã thực sự khiến mình choáng ngợp! Mời các bạn đọc tiếp Tập 15 – Blindspot.