(Bài viết tiết lộ nội dung phim)
Mike Flanagan đã khiến chúng ta căng não với The Haunting of Hill House và Bly Manor, giờ đây ông ấy trở lại với xuất phẩm mới trên Netflix: Midnight Mass, bộ phim như lời của Kate Siegel (diễn viên và cũng là vợ của đạo diễn Mike Flanagan) thì nó nói về “cuộc chiến giữa đức tin và sự cuồng tín”. Bạn có thể thưởng thức phim như một khán giả phổ thông, hoặc sẽ có trải nghiệm sâu sắc hơn nếu là người có đức tin, hoặc am hiểu về tôn giáo.
Bối cảnh phim diễn ra tại hòn đảo Crockett hẻo lánh nọ, nơi mà dân số hiện tại còn không đến một trăm người. Vào một ngày kia, bỗng vị linh mục có sức lôi cuốn kỳ lạ xuất hiện (do Hamish Linklater thủ vai), dường như ông ta đang làm sống dậy đức tin của cư dân trên đảo, nhưng với một cái giá rất đắt. Chỉ khi kiên nhẫn xem hết phim bạn mới cảm nhận được nỗi kinh hoàng mà cộng đồng thưa thớt này phải trải qua.
Đọc thêm: ‘Midnight Mass’ và vụ án Jonestown trong đời thực đã truyền cảm hứng cho cao trào của bộ phim
Chuyện gì thực sự đã xảy ra trên hòn đảo Crockett?
Dân đảo Crockett đối mặt với những điều kỳ lạ, chúng xảy ra sau khi Đức ông Pruitt biến mất trong chuyến đi về đất liền và Cha Paul xuất hiện một cách không mong đợi. Mặc dù vậy, sự lo lắng của người dân nhanh chóng tan biến khi Cha Paul thực hiện một phép lạ ngay trước mắt họ. Ông ta dường như đã chữa lành cho Leeza Scarborough – cô bé đã ngồi xe lăn trong nhiều năm sau khi bị Joe Collie bắn nhầm.

Có thể nói, giây phút Leeza đi lại được là khởi đầu cho những cao trào của loạt phim, trong khi hầu hết phần dẫn dắt trước đó có thể khiến nhiều khán giả mất kiên nhẫn. Đây là khoảnh khắc chúng ta thực sự nhận ra mọi việc không hề đơn giản là có một con quái vật đang rình rập trên đảo, mà tồn tại một âm mưu hay bí ẩn gì đó to lớn hơn rất nhiều đang được che giấu phía sau, khiến chúng ta phải tập trung hơn khi xem phim.
Sau Leeza, “phép màu” đã diễn ra theo mọi cách trong cộng đồng đảo Crockett, căn bệnh đau lưng mãn tính của Ed Flynn đã biến mất hoàn toàn, mẹ của bác sĩ Gunning là bà Mildred thì trẻ lại một cách kỳ lạ. Niềm tin của cộng đồng vào Đức Chúa Trời được củng cố bởi những sự kiện phi thường, do đó đã thúc đẩy ngày càng nhiều người tham dự Thánh lễ với hy vọng rằng họ cũng sẽ được chúc phúc.
Trớ trêu thay, lòng tin của họ đang dành cho một nhà tiên tri giả mạo, không ai biết được điều kinh hoàng gì đang chờ đợi họ. Cha Paul là một tội đồ, ông ta đã nói dối Hội thánh địa phương về tình trạng của Đức ông Pruitt. Vị linh mục lâu đời của hòn đảo hiện không phải đang điều trị trong một bệnh viện trên đất liền, mà hiện chính là Cha Paul – kẻ đã nhờ sức mạnh ma quỷ mà trẻ lại ở thời kỳ sung mãn nhất của một người đàn ông.
Thế nhưng ý đồ thực sự của Cha Paul, hay Pruitt, là gì?
Chuyến hành hương và con quỷ ở vùng đất thánh
Trong chuyến hành hương của mình, Pruitt – Đức ông vốn đã mắc chứng mất trí, bị lạc khỏi nhóm khách du lịch của mình và lang thang vô định, bối rối, ông đi vào sa mạc, bị cuốn vào một cơn bão cát dữ dội. Tưởng như sẽ bỏ mạng giữa nơi hoang lạnh, Pruitt phát hiện ra một tàn tích cổ xưa và tìm đường vào trong để trú ẩn. Nhưng đó là giây phút cuộc đời ông thay đổi mãi mãi.

Trong bóng tối ẩn hiện một sinh vật có cánh, đôi mắt lóe lên tia thâm độc. Pruitt về sau đã nói với dân đảo rằng đó là một Thiên thần của Chúa. Thế nhưng, chúng ta đều biết đây là ma cà rồng, một con quỷ cổ xưa, nó đè Pruitt xuống đất và hút máu từ cơ thể ông ta. Nhưng thay vì bòn rút Pruitt cho đến chết, “thiên thần” đã cho phép ông uống máu của mình khi nghe ông ta đọc Thánh Kinh, “hồi sinh” và trẻ hóa ông.
Sau đó Pruitt đã thiết lập giao kèo với con quái vật, cho nó vào một chiếc hòm lớn và cùng với ông ta quay trở về. Tại đảo Crockett, Pruitt (giờ là Cha Paul) sớm thể hiện triệu chứng của việc chuyển hóa từ người sang ma cà rồng, nhất là sau khi “chúc phúc” cho Leeza. Vào một thời điểm, ông hoàn toàn trở thành sinh vật của bóng tối và chỉ có thể ra ngoài vào ban đêm, các nhân vật như Riley cũng thế.

Sau khi chứng kiến phép màu xảy ra với chính mình, Pruitt đã có một kế hoạch táo bạo, nhằm biến đổi mọi người dân đảo thành ma cà rồng. Mặc dù vậy, nó hoàn toàn vì một mục đích rất dễ cảm thông – để được sống mãi bên người tình và con gái của mình (bà Mildred Gunning và cô bác sĩ Sarah Gunning). Mike Flanagan không bao giờ xác nhận con quái vật trong hang động là đầu sỏ chính trong kế hoạch này và đó là chủ ý của đạo diễn.
Tính biểu tượng của “Thiên thần” và cuộc chiến đức tin
Đầu tiên cần khẳng định vì sao một con ma cà rồng lại trở nên phù hợp với bộ phim đến như vậy, mà không phải là một quái vật khác? Bởi truyền thuyết về ma cà rồng tồn tại gần như một câu chuyện trái ngược với Chúa Jesus Christ, ma cà rồng nổi tiếng như Dracula chẳng hạn, là một kẻ phản Chúa. Lũ quỷ hút máu, cũng như Jesus, được tái sinh sau khi chết, nhưng nó hoàn toàn ngược lại với đấng cứu thế mà chúng ta đã biết.
Chúa Jesus được cho là đã chảy máu để mang lại sự sống cho các tín đồ (có lý do để Pruitt thêu dệt và mê hoặc dân đảo bởi biểu tượng tôn giáo của sinh vật) trong khi ma cà rồng lấy máu của nạn nhân để mang lại sức sống cho chính nó, đây là hai quá trình dường như đối lập nhau một cách có chủ đích. Việc hiến tế bằng máu hoặc uống máu là rất thường thấy trong tôn giáo cổ đại, thậm chí sách Khải Huyền có ghi chép lại.

Cụ thể là “The Whore of Babylon” uống máu các vị thánh: Babylon the Great – còn được gọi là Whore of Babylon (Con điếm thành Babylon), chi tiết đề cập đến một nhân vật phụ nữ mang tính biểu tượng và Babylon – địa điểm ma quỷ trong Sách Khải Huyền của Kinh Thánh. Danh hiệu đầy đủ của nhân vật này và hành động báng bổ của ả ta được nêu trong Khải Huyền chương 17.
“And upon her forehead was a name written, MYSTERY, BABYLON THE GREAT, THE MOTHER OF HARLOTS AND ABOMINATIONS OF THE EARTH. And I saw the woman drunken with the blood of the saints, and with the blood of the martyrs of Jesus: and when I saw her, I wondered with great admiration.” – Con điếm thành Babylon “say máu các vị thánh, và với máu của những kẻ tử đạo của Jesus…”

Con điếm thành Babylon có hành vi uống máu ở đây được đồng nhất với Quái thú Khải Huyền và nó được xếp ngang hàng với con rồng đối nghịch với Thiên Chúa – tượng trưng cho những thế lực bắt bớ các tín đồ và những người mộ đạo chân chính. Các con thú bị Thiên Chúa đánh bại và bị ném vào hồ lửa, trong Khải Huyền (19:18-20) có nhắc đến. Có nhiều người sống trên Trái đất đã bị lừa phỉnh để tạo tác hình tượng của con thú và tôn thờ nó.
“Thiên thần” trong Midnight Mass quả là một tạo vật báng bổ, sở hữu sức mạnh tái sinh của một nhà tiên tri giả mạo. Pruitt mặc dù là một người sùng đạo, nhưng với dục vọng của bản thân, đã lập nên một kế hoạch để tạo điều kiện cho thế lực ma quỷ lan tràn trong cộng đồng. Chúng ta không thấy “Thiên thần” trực tiếp điều hành mọi việc, mà âm mưu đêm thánh lễ chủ yếu do Pruitt dẫn dắt.
Cái ác luôn tồn tại, chính con người góp phần gieo rắc nó
Vậy sự cuồng tín được thể hiện rõ nhất ở đâu? Đó chính là Bev Keane, cô giáo của trường học địa phương, thành viên nhiệt thành và hống hách của Nhà thờ Thánh Patrick và là một nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng. Bà ta thực sự muốn cống hiến cho đức tin, nhưng Bev quá điên cuồng và hoàn toàn mất đi lý trí. Thậm chí vào phút cuối, Pruitt nhận ra sai lầm của mình, Bev thì không và cô ta đã bán linh hồn cho quỷ.

Sự ngạo mạn của Bev khiến bà ta diễn giải sai lời Chúa, cho rằng mình là kẻ được chọn và Nhà thờ Thánh Patrick là con thuyền của Noah, từ đó đốt hết tất cả những căn nhà trên đảo Crockett trừ nhà thờ. Đó có thể xem là hành vi tự hủy của Bev và nó khiến tất cả những nhân vật đã bị biến đổi thành ma cà rồng sẽ chết ngay khi ánh mặt trời đầu tiên ló dạng – tất cả bị thiêu rụi bởi lửa, như Quái thú trong Khải Huyền bị Thiên Chúa ném vào hồ lửa.
“Thiên thần” trong Midnight Mass là biểu tượng như một nguồn sức mạnh của cái ác thuần túy, nó luôn hiện hữu trong bóng tối ngay tại vùng đất Thánh, tuy nhiên, nếu không có tà tâm của con người, như tham vọng của Pruitt, hay sự cuồng loạn của Bev thì đã không bao giờ có thể lan tỏa được ra cộng đồng. Bản thân sinh vật Thiên thần không quá thông minh, nó rất bản năng và không nhận ra rằng Erin đang cắt cánh nó.

Vì vậy, phản diện thực sự trong loạt phim chưa bao giờ là con quỷ hút máu này, mà đó là những nhân vật như Pruitt và rõ ràng hơn là Bev Keane. Cuối phim chúng ta suy luận được “Thiên thần” đã chết khi Leeza mất đi cảm giác ở chân, tuy nhiên đó là một cái chết off-screen. Bản thân Mike Flanagan cũng đã có giải thích về chi tiết này. Ông bảo: “Chúng tôi không nói rằng nó đã đã chết.”
Trong cuộc phỏng vấn, Mike Flanagan nói với báo The Wrap: “Chúng tôi thực sự chỉ muốn nói rằng máu của Leeza đã bắt đầu trong sạch trở lại, rằng cô ấy sẽ ổn thôi. Chúng tôi không muốn chi tiết đó xác nhận về cái chết của thiên thần, rằng bạn không bao giờ có thể giết được sự cuồng tín. Nó sẽ luôn luôn quay trở lại.“