Austin Osman Spare là ai?
Nếu đã đọc các bài viết trước đây của Gấu Mèo về phép thuật hỗn mang, hẳn các bạn đã nghe đến Austin Osman Spare, cha đẻ của phép hỗn mang hiện đại. Trái với hình dung của đa số khi nghĩ về một người dành cả đời thực hành bí thuật, Spare là một họa sĩ thiên tài, được nhận xét là người tốt bụng, thân thiện và rất yêu mèo nữa. Hãy cùng Gấu Mèo tìm hiểu về cuộc đời và huyền thoại về nhân vật thú vị này.
Sinh năm 1886 tại London, Austin Osman Spare là con trai một sĩ quan cảnh sát và mẹ là con gái nhà Hải Quân Hoàng Gia. Tài năng hội họa của Spare được phát hiện sớm và ông đậu được học bổng của trường Nghệ Thuật Hoàng Gia Anh, trở thành người trẻ nhất có tác phẩm trưng bày tại triển lãm mùa hè của trường năm 17 tuổi. Tuy nhiên, như mọi nhân tài có đầu óc vượt mọi khuôn khổ, Spare không hài lòng với phương pháp giảng dạy của trường và đã bỏ học khi chưa nhận được bằng.
Rời xa khỏi giới nghệ sĩ tinh hoa, Spare sống trong căn hộ gác mái tồi tàn với lũ mèo, bán tranh giá 5 Bảng Anh một bức tại quán rượu. Cũng trong những năm này, Spare bắt đầu trau dồi đầu óc nghệ thuật của mình rộng hơn với các trường phái triết học như Đạo giáo, hội họa trường phái siêu thực. Đồng thời người ảnh hưởng đến con đường thực hành tâm linh của Spare từ nhỏ đó là bà Patterson, người tự nhận là trực hệ của những phù thủy Salem chưa bị xử tử, đã dạy Spare những kiến thức về phép thuật thần bí.
Triết lý và ma thuật của Spare
Ảnh hưởng từ bà Patterson bí ẩn
Những bức tranh của Spare cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Aleister Crowley, nhà thần học và là đồng tác giả bộ Thoth Tarot nổi tiếng sau này. Crowley còn làm thơ tặng Spare. Tuy nhiên, Spare lại không ưa Crowley do ông này quá chú trọng vào thứ bậc trong tổ chức, Crowley thì đành bỏ cuộc với Spare vì chàng trai trẻ không chịu phục tùng mình. Spare muốn tiếp cận thần học bằng trực giác và mang tính triết học, ông quý trọng những phù thủy như bà Patterson hơn.
Bà Patterson đã 101 tuổi và từng bói cho tôi khi còn khá nhỏ. Những tiên đoán của bà chi tiết và chính xác đến mức ai cũng ấn tượng. Bà cưới một bác sĩ nhưng máu Gypsy vẫn chảy trong huyết quản. Bà đầy tình thương và tử tế với mọi người như một đứa trẻ. Sống trong một khu dân cư phức tạp nhưng những kẻ lì đòn nhất cũng phải nể bà.
– Spare kể về bà Patterson
Bà Patterson cũng dạy cho Spare nghệ thuật ‘Tư duy – Phóng chiếu’ (Thought-Projection). Đó là phương pháp mà khi bói cho khách, Patterson sẽ nhìn vào một góc tối trong phòng và phóng chiếu tương lai của khách hàng. Về sau, nhiều người kể rằng Spare đã dùng phương pháp này để “triệu hồi” một đôi xăng đan cho nhà nghiên cứu tâm linh Everard Feilding khi ông muốn thử năng lực của Spare. Trước đó năm 17 tuổi, ông cũng đã gọi được một đám mây mưa trong studio của mình, khiến trong phòng đổ trận mưa to ướt nhẹp cả ông và người bạn Robert Hugh Benson.
Spare có viết hệ thống lại phương pháp này trong hai cuốn sách ’The Book of Pleasure: The Psychology of Ecstasy’ (1913) và ‘The Focus of Life’ (1921). Có lời đồn rằng dù cách biệt tuổi tác, giữa Spare và bà Patterson là mối quan hệ nam nữ đầy đê mê. Spare nói rằng Patterson có thể hóa thành một phụ nữ trẻ nếu muốn và ông thường vẽ bà trong hình dạng cả già lẫn trẻ trong nhiều bức họa.
Khai thác nguồn năng lượng thủy tổ
Là người rất tin vào thuyết luân hồi, Spare cho rằng mỗi kiếp sống trước của con người đều được lưu trữ trong tiềm thức, dù đó là kiếp con người hay loài vật, rau cỏ, đều chứa sự thông thái và ký ức. Chúng ta có thể khai thác nguồn năng lượng này và sở hữu sức mạnh to lớn bằng phương pháp mà Spare đặt thuật ngữ là ‘Atavistic Resurgence’ (Hồi Sinh Phản Tổ). Chúng ta không chỉ khai thác trí tuệ, năng lực của vài đời sống trước mà tham vọng hơn, đó là truy cập vào nguồn năng lượng khởi thủy, có mặt từ trước cả khi Trái Đất hình thành nữa cơ.
Một vi sinh vật có sức mạnh hủy diệt thế giới… Nếu ta cắt rời chi của nó, chỗ cụt ấy sẽ mọc lại… Nên bằng cách gợi lại, khai mở tâm trí về những dạng tồn tại này, ta có được thuộc tính phép thuật, hoặc tri thức mà chúng đạt được.
– Austin Osman Spare
Atavistic Resurgence đã giúp Spare có thể ‘vẽ tự động’, tức ông có thể vẽ trong phòng tối lúc nửa đêm, không có chút ánh sáng nào nhưng cây bút cứ tự nhiên chuyển động. Có lời đồn Spare từng triệu hồi được linh hồn William Blake – hoạ sĩ kiêm nhà thơ nổi tiếng là tác giả của bức The Great Red Dragon.
Hành trình nghiên cứu bí thuật đó đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm của Spare, với những đường nét kỳ ảo quấn lấy nhau tạo thành hình ảnh các sinh vật kỳ bí, không rõ là người, thánh thần, tinh linh hay quỷ dữ. Spare nghiên cứu giả kim, Tarot, Sigil, sáng tạo nên Zos và Kia – cách tiếp cận triết học của Spare nhằm mô tả trạng thái vượt ngoài cơ thể vật lý của chúng ta (trạng thái tồn tại Neither – Neither).
Sigil – Khai thác năng lực tiềm thức
Phổ biến nhất trong các công trình của Spare có thể nói là ‘bảng chữ cái của khát vọng’, phép thành lập Sigil do ông tạo nên. Ngày nay, chúng ta hay vẽ Sigil nhưng lại không biết về ông tổ Austin Osman Spare và thường không nắm được tinh thần trong phương pháp của ông, dẫn đến thực hành sai, không hiệu quả và có thể dẫn đến hậu quả lâu dài về sau.
“Viết ra mong muốn của mình trong một câu ngắn gọn. Sau đó liệt kê tất cả các chữ cái tạo thành câu đó, không quan tâm chữ cái lặp lại. Khi câu ước đã được đúc kết thành các chữ cái tối thiểu, ghép các chữ này lại thành một đồ thị tổ hợp sao cho không nhìn ra được mong ước của bạn. Cuối cùng – quan trọng bậc nhất – hãy quên đi khao khát ban đầu, nhấn chìm Sigil vào tiềm thức.” – Quá trình tạo Sigil theo phương pháp của Spare
Có thể nói, phương pháp thực hành của Spare cũng là tinh thần của Luật Hấp Dẫn thịnh hành ngày nay, trong đó, điều tối quan trọng là người thực hành phải quên đi khao khát của mình mà đẩy chúng khắc ghi vào tiềm thức. Chỉ khi thông điệp bén rễ một cách tự nhiên vào tiềm thức rồi, ý thức được hanh thông thì Vũ Trụ mới đưa ước muốn của bạn thành sự thật.
Spare rất nhấn mạnh vào vai trò của tiềm thức và cho rằng phần ý thức của tâm trí không đóng vai trò gì trong thực hành phép thuật. Khao khát không thể trở thành hiện thực nếu nó là một phần hữu cơ của ý thức. Phương pháp của ông yêu cầu người thực hành phải tập trung để “vượt qua bức tường ý thức” và tiếp cận với vô thức.
Zos và Kia – Triết lý cốt lõi của Spare
Quan điểm thực hành phép thuật lẫn niềm tin thần bí của Austin Osman Spare, từ Atavistic Resurgence cho đến Sigil đều xoay quanh Zos và Kia. Đó là thuật ngữ Spare đặt ra để gọi thể xác vật lý (Zos) và tâm thức của Vũ Trụ (Kia), hoặc bạn có thể gọi bằng nhiều cái tên như nguồn sức mạnh tối thượng, năng lượng gốc, năng lượng nguyên thủy… mà về sau nhà thần học Peter J. Carroll gọi nó là Hỗn mang (Chaos).
Một cách đơn giản, Kia là trạng thái ở giữa, ‘không này và cũng không kia’, là thứ ta nên thuần phục và hợp nhất để đạt đến tĩnh lặng, cho thân xác Zos có thể tiếp nhận nguồn lực tối thượng. Sigil là một phương thức để cầu xin từ nguồn lực này, kết hợp với nguyên lý năng lực tiềm thức, ta có thể thu hút mọi điều ta mong muốn. Kia và ý tưởng về năng lượng gốc, xuôi dòng Vũ Trụ vốn không có gì quá xa lạ, nhất là với những bạn thực hành Luật Hấp Dẫn, Ho’oponopono…
Ngoài ra, Spare còn sử dụng tình dục làm nghi thức thực hành phép thuật. Nhưng không như truyền thông thổi phồng mỗi khi đụng đến khía cạnh nhạy cảm, nghi thức tình dục của Spare chỉ đơn thuần là Tantra (phương thức tu tập cao cấp, nghiêm mật cũng bị truyền thông bóp méo) nhằm khai mở tâm linh và luân chuyển năng lượng tính nam và nữ. Tóm lại, đó là thứ tình dục không phải để đạt đến khoái cảm.
Một con người tốt bụng, chuyên nhặt mèo cơ nhỡ
Trái với hình dung về một người chuyên nghiên cứu và thực hành ma thuật, cùng những bức vẽ lạ lùng, bạn bè mô tả Austin Osman Spare là một người ‘down-to-earth’: thực tế, khiêm tốn, tốt bụng, rất thân thiện. Ông dịu dàng và là quý ông đích thực.
Spare yêu động vật và là thành viên năng nổ của RSPCA (Royal Society for the Prevention of Cruelty to Animals, hiệp hội hoàng gia ngăn chặn tội ác với động vật). Ông thường xuyên nhặt những con mèo bị bỏ rơi về nuôi và trong căn hộ chật hẹp của mình thường có 9-10 con mèo. Ông cho rằng chúng là hiện thân của linh hồn loài hổ, một cách thành thật không hề châm biếm. Dù không có nhiều tiền, ông vẫn ưu tiên việc chăm sóc động vật lên hàng đầu và thường mua thức ăn cho những con mèo trong khu dân cư.
Bước ngoặc huyền thoại trong đời Osman Austin Spare và ông từ chối nó là vào năm 1936, khi một sĩ quan Đức mua tranh của ông và đem tặng Hitler. Tên trùm Quốc Xã quá thích thú phong cách sáng tác này nên đã đặt Spare vẽ chân dung mình. Vị họa sĩ khước từ bằng những lời bí hiểm:
“Only from negations can I wholesomely conceive you.
For I know of no courage sufficient to stomach your aspirations.
If you are superman, let me be forever animal.“
Lược dịch:
“Chỉ khi chối bỏ, tôi mới hình dung ông một cách trọn vẹn.
Bởi tôi không đủ dũng khí để đáp ứng nguyện vọng của ông.
Nếu người là kẻ siêu phàm, xin cứ để tôi mãi là loài thú vật.“
– Spare từ chối vẽ tranh cho Hitler.
Tóm lại, Osman Austin Spare đã có thể nhận lời họa tranh cho Hitler để đổi lại một số tiền và cả danh tiếng. Thế nhưng, Spare đã cho rằng Hitler là hiện thân của cái ác, ông thà sống trong căn hộ tồi tàn với những con mèo ông nhặt được, còn hơn đánh đổi thiên lương trong sáng của mình.
Ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa đại chúng
Tác giả truyện tranh nổi tiếng Alan Moore (The Saga of Swampman, The Killing Joke, Whatever Happened to the Man of Tomorrow?) là người hâm mộ Austin Osman Spare và đã viết lời giới thiệu cho cuốn Austin Osman Spare: The Life & Legend of London’s Lost Artist của Phil Baker. Moore miêu tả Spare là “nhân vật bị lãng quên của lịch sử và nghệ thuật Anh. Nước Anh đã mất đi họa sĩ vẽ khỏa thân xuất sắc nhất mọi thời đại”. Không chỉ đánh giá cao Spare với tư cách họa sĩ, Moore còn cho rằng “Spare là pháp sư vĩ đại nhất Anh quốc TK20”.
Tôi nghĩ phép thuật giúp người họa sĩ được nhìn sâu vào trong tiềm thức của mình và tìm xem ý tưởng của họ từ đâu mà ra.
– Alan Moore nói về Spare.
Sinh thời, Spare sống trong nghèo khổ nhưng chưa bao giờ bán tranh với giá cao hơn 5 Bảng Anh. Thế nhưng giờ đây tranh của ông trở thành vật phẩm đấu giá và sưu tầm bởi những nhân vật hứng thú với chủ nghĩa thần bí như Jimmy Page (ban nhạc Led Zeppelin, ông cũng từng mua lại nhà của Aleister Crowley). Tranh của Spare ngày xưa bị phê bình là “quá nặng đô với người thường” thì nay đã được biết đến rộng rãi với thái độ trân trọng hơn.
Di sản cuối cùng, đương nhiên là phương pháp vẽ Sigil mà ngày nay “gen Z” thường truyền tai nhau. Thật ra, Sigil cũng tương tự Luật Hấp Dẫn thôi nếu bạn làm đúng theo phương pháp của Spare. Còn nếu sử dụng Sigil có nguồn gốc là ấn chú cổ xưa, thì khó biết được bạn đang đánh đổi những gì.
Bản thân Austin Osman Spare có thể gọi mưa, mua giày bằng Sigil cùng nhiều việc phi thường khác, nhưng ông chọn cuộc sống khiêm tốn cùng những con mèo, tập trung nuôi dưỡng nội tâm, hòa hợp với Kia chứ không lợi dụng quyền năng Sigil để thu lợi không thuộc về mình. Các bạn có thể đọc chuỗi bài về Sigil bao gồm nguồn gốc, cách dùng an toàn, cũng như bản chất phép thuật hỗn mang để tìm hiểu thêm.