Tại sao chúng ta mê chương trình về án mạng có thật (True Crime)?

Có bình thường không khi một người thích True Crime?

Bạn có bao giờ cảm thấy một cảm giác “nghiện mà ngại” khi nhắc đến các chương trình về án mạng có thật. Bạn thích chúng nhưng không bao giờ công khai đầy say đắm rằng mình hay nằm nghe podcast về mấy tên sát nhân hàng loạt cho dễ ngủ. Thậm chí, bạn còn sợ bị người ngoài đánh giá và thắc mắc đầu óc mình có gì “sai sai” không khi thích những thể loại này. Liệu một người có bị xem là bất bình thường khi quan tâm và thường xuyên cày phim tài liệu về án mạng?

true-crime-shows

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào như trên, thì cũng đừng lo lắng. Các nhà tâm lý học đã xác nhận, việc con người bị thu hút và say mê các chương trình về sát nhân, án mạng là điều bình thường. Sally Barker, nhà trị liệu cao cấp giả thích: “Đó là một phần tự nhiên của con người khi tò mò về những sự kiện mang tính chết chóc, bạo lực, muốn tìm hiểu thông tin về những tình tiết xoay quanh các vụ án mạng”.

Nói cách khác, đó là cảm giác như khi ta nhìn thấy một trận ẩu đả trên phố hay vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Không phải là ta thích thú gì những chuyện đó, đúng hơn là sự pha trộn giữa cảm giác kích thích và nỗi sợ được kiểm soát. Các bạn có thể đọc bài viết Vì sao phim kinh dị đáng sợ nhưng chúng ta vẫn thích xem? để tìm hiểu cách cơ thể sản sinh adrenaline mỗi khi ta hồi hộp, đó là thứ khiến ta tiếp tục quay lại xem thêm nhiều chương trình án mạng khác có thật khác.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khiến thể loại án mạng có thật mê hoặc đến thế, sẽ được lý giải trong phần còn lại của bài viết bên dưới.

Chương trình án mạng có thật có cách kể chuyện hấp dẫn

Xét về mặt kỹ thuật, trước tiên, các chương trình về án mạng có thật có lối kể chuyện rất thu hút. Bạn có nhớ từ những buổi đầucủa nền văn minh, con người chúng ta đã thích những câu chuyện kể? Đó là những đêm cả bộ lạc ngồi quanh đống lửa nghe già làng kể về lịch sử tổ tiên, là anh nhà thơ hát lên khúc ca về chiến công người dũng sĩ, câu chuyện cổ trước giờ đi ngủ hay thậm chí khi đồng nghiệp túm tụm bàn tán drama cũng là ví dụ điển hình.

real-detective-netflix
Series Real Detective

Chương trình án mạng có thật về cơ bản đã có những yếu tố của một câu chuyện hay: những nhân vật thú vị, bí ẩn, cảm giác hồi hộp. True Crime còn giúp ta trải qua quá trình gọi là Catharsis, dịch thô ra là “thanh tẩy”. Đó là quá trình tâm lý nơi con người được trải qua những cảm xúc mạnh như sợ hãi, phẫn nộ, buồn thương. Đây đều là những cảm xúc bình thường của con người và chúng không nên bị dồn nén nếu không sẽ gây xung đột vô thức. Việc cảm nhận chúng rõ ràng và an toàn còn mang tính trị liệu.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn trải qua những cảm xúc mạnh ấy, nhưng chúng lại không an toàn vì đó là khi ta phải sinh tồn. Còn lúc xem phim kinh dị hay chương trình hình sự, chúng ta được trải nghiệm cảm xúc mạnh một cách an toàn vì ta đang ở không gian của riêng mình, những chuyện xảy ra trên TV dù sao cũng không phải là chuyện xảy ra với mình.

Nữ giới có tỷ lệ xem chương trình án mạng cao hơn

Một điều lạ nhưng cũng không lạ, đó là tỷ lệ khán giả theo dõi chương trình án mạng có thật đa phần là nữ. Các nhà tâm lý học tin rằng, đó là cách nữ giới chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nam giới có nguy cơ là nạn nhân lẫn thủ phạm của một vụ án mạng cao hơn nữ giới gấp 4 lần, nhưng từ năm 1985-2010, 70% nạn nhân các vụ án là nữ giới.

163fe1fc448ddfd68dd32b6e5f6d4aa7

Ngoài ra, nữ giới có mức đồng cảm với nạn nhân cao hơn nam giới 70%, bất kể nạn nhân thuộc giới tính gì. Phụ nữ cũng sợ hãi những chuyện thảm khốc hơn. Điều đó khiến họ muốn theo dõi các phim tài liệu về vụ án có thật, nhằm nắm bắt tâm lý thủ phạm cũng như học hỏi cách nạn nhân trốn thoát và nhận biết dấu hiệu đáng báo động: “Mình sẽ không bao giờ hẹn hò kiểu người như thế”, “Mình sẽ không tin lời người lạ dễ như vậy”…v.v.

Phụ nữ cũng có xu hướng tò mò hơn và thích tìm hiểu tâm lý tội phạm, cũng như những câu chuyện hậu trường. Một điều thú vị là tuy chiếm số ít trong lực lượng hành pháp, phụ nữ chiếm 78% trong ngành khoa học pháp y. Mức đồng cảm cao kích thích họ tìm hiểu những gì diễn ra đằng sau tội ác

beverly-katz-hannibal
Beverly Katz, chuyên viên pháp y trong series Hannibal

Án mạng có thật giúp ta tìm hiểu mặt tối của loài người

Đó là những án mạng thảm khốc và chúng có thật. Một điều khiến các chương trình True Crime hấp dẫn đó là câu chuyện về những tên sát nhân và làm thế nào chúng trở thành người như vậy. Đa phần những tên sát nhân khét tiếng thường có ấu thơ bất hạnh, như Edmund Kemper hay Robert Maudsley. Trong nhiều trường hợp, khán giả còn thông cảm cho thủ phạm và cho rằng nếu được nuôi dạy khác đi, chúng sẽ không sa vào con đường tàn ác.

mindhunter-edmund-kemper
Edmund Kemper do Cameron Britton thủ vai trong Mindhunter

Đó vẫn là điều gây tranh cãi. Đúng là những tên tội phạm mà ta biết đa phần có ấu thơ thê thảm, nhưng trong cuốn Tâm Lý Học Tội Phạm, Stanton E.Samenow đã cung cấp một nhận thức mới mẻ rằng, đôi khi một kẻ ác chỉ vì họ ác mà không cần câu chuyện nào đằng sau cả. Có rất nhiều tên sát nhân hàng loạt với ấu thơ ấm êm, gia đình thậm chí giá giả và đầu tư cho chúng, nhưng chúng vẫn ra ngoài và chọn nạn nhân cho mình.

Người xem còn soi chiếu bản thân và câu chuyện của mình với câu chuyện của thủ phạm, rằng “Mình không có ấu thơ như thế, mình sẽ không trở thành người như thế”, hay thở phào vì bản thân không có đặc điểm của kẻ thái nhân cách trong phim.

Xem True Crime có ảnh hưởng xấu đến tâm lý hay không?

Ngoại trừ những thứ đã được khuyến cáo rộng rãi rằng không được thử dù chỉ một lần, thì đa số thứ trên đời đều sẽ an toàn nếu được tiêu thụ điều độ. Dù là cà phê hay chương trình hình sự, quan trọng là bao nhiêu và như thế nào. Không có gì đáng ngại nếu bạn đơn thuần theo dõi và bàn luận về các vụ án, nhưng nếu bạn dán poster hung thủ, tôn thờ điều chúng làm hay sợ hãi không còn muốn ra đường nữa, thì đó là dấu hiệu báo động về các bạn tiêu thụ.

female-walking-at-night
Ra ngoài một mình buổi tối là ác mộng của nhiều phụ nữ

Ngoài ra, hãy biết lắng nghe trực giác và cơ thể của mình. Nếu cảm thấy chương trình án mạng đó khiến bạn căng thẳng, sang chấn, lo âu, hãy dừng lại. Mỗi người có một trải nghiệm khác biệt nên nếu câu chuyện trong chương trình tác động đến bản thân, bạn không nên theo dõi tiếp, bất chấp lời trêu chọc của bạn bè xem chung.

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!