Mục đích của bài viết
Tại sao tôi lại viết bài viết này? Phim đương nhiên sẽ không bao giờ hay bằng sách, bạn sẽ nói thế. Period. Nhưng đối với một người yêu văn học lẫn điện ảnh, tôi cảm thấy lời kêu gọi “Phim sẽ không bao giờ hay bằng sách.” có chút vội vàng và cực đoan nên đành viết một bài trình bày quan điểm của mình. Hy vọng giúp bạn (và bản thân tôi) tìm được điểm cân bằng, nhất là khi gần một nửa tư liệu điện ảnh hiện nay đến từ việc chuyển thể tiểu thuyết, phi hư cấu, truyện tranh, tiểu sử…
Vì sao người ta làm phim chuyển thể?
Nhắc đến phim chuyển thể, chúng ta thường nghĩ ngay đến phim chuyển từ tiểu thuyết, thế nhưng thị trường đa dạng hơn thế nhiều. Ngoài tiểu thuyết, chúng ta còn có truyện tranh (phim siêu anh hùng đấy), sự kiện có thật, tiểu sử, nhạc kịch, đồ chơi… Bài viết này sẽ đề cập chủ yếu đến phim chuyển thể từ tiểu thuyết.
Theo số liệu từ The Numbers, vào năm 2015, kịch bản gốc trong phim nói tiếng Anh chiếm 58% và số còn lại là kịch bản chuyển thể từ các nguồn nói trên. Các con số có xê dịch, nhìn chung 50-50, có những năm số kịch bản gốc chiếm dưới 50%. Điều người ta quan tâm hơn đó là doanh thu. Theo báo cáo của Adam Rowe trên Forbes vào năm 2018, phim chuyển thể từ sách chiếm 53% doanh thu phòng vé toàn cầu. Bản số liệu bên dưới của The Economist cũng cho thấy tại thị trường Anh, doanh thu từ phim chuyển thể sách luôn nhỉnh hơn kịch bản gốc từ lĩnh vực điện ảnh cho tới truyền hình.
Với kết quả đó, không khó hiểu khi ngành công nghiệp phim ảnh sẽ luôn tìm đến sách. Nó là kho nội dung có sẵn và từ con số cho thấy, dù trải qua nhiều chê khen, bất lợi khi chuyển thể, cũng như những cái nhún vai từ hội trung thành với tư liệu gốc, vẫn có đông đảo khán giả sẵn sàng ra rạp khi thấy cuốn tiểu thuyết yêu thích của họ được chuyển thể thành phim, sống động trước mắt với những diễn viên xinh đẹp (và còn tuyệt vời hơn nếu đó là diễn viên họ thích). Chưa kể đến bộ phận khán giả chọn xem phim chuyển thể với tâm thế không cần mong đợi nó sẽ hay. Họ xem để đánh giá, so sánh, xem đoàn phim đối xử với tác phẩm gốc thế nào.
Việc một quyển sách được chuyển thể thành phim cũng mang lại nhiều lợi ích cho đôi bên, đó là phía nhà làm phim và tác giả sách. Đối với một người theo nghiệp bút nghiêng, còn gì vui hơn khi có thể kiếm sống từ viết lách và một bộ phim hay series truyền hình là cơ hội lớn đối với họ. Lấy ví dụ một trường hợp lý tưởng nhất đó là Gillian Flynn – tác giả cuốn Gone Girl. Flynn hoàn thành quyển sách trong vòng 6 tháng với tình hình tài chính bi đát. Cuối cùng quyển sách mang lại thành công lớn, được chuyển thể thành phim do David Fincher đạo diễn và chính Flynn làm biên kịch.
Ngoài ra, khi một tác phẩm được chuyển thể thành phim, doanh thu bán sách cũng tăng lên theo. Sách thường được xuất bản hoặc tái bản mỗi khi nó được làm thành phim. Ví dụ bộ sách Tam Thể của Lưu Từ Hân vừa được Nhã Nam tái bản thêm 10,000 cuốn mỗi tập vì Netflix năm sau sẽ phát hành series phim. Điều này có lợi về mặt kinh tế, cho những người muốn đọc sách mà bị hết hàng đợt trước. Chỉ có một mong cầu nho nhỏ, đó là đừng lấy poster phim làm bìa sách có được không?
Thế nên, dù bạn thích hay không, những quyển sách vẫn sẽ lên màn ảnh lớn lẫn nhỏ. Vấn đề đặt ra là mỗi khi một bộ phim mới được sản xuất và ta biết rằng nó chuyển thể từ một quyển sách, khán giả bắt đầu băn khoăn liệu có nên đọc sách trước khi xem phim? Bài viết sẽ bắt đầu mổ xẻ từ đây. Chúng ta có hai đối tượng: người đã đọc sách rồi và người chưa đọc sách. Hai đối tượng này nên đón nhận phim chuyển thể ra sao?
Thay đổi cách tiếp nhận phim chuyển thể
Mắc gì phải băn khoăn về cách xem một bộ phim? Cứ xem thôi! Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ như vậy và các nhà làm phim cũng ước gì ai cũng nghĩ như bạn. Tiếc là thế giới hiện giờ có mạng xã hội và chúng ta thảo luận cởi mở, tự do hơn xưa rất nhiều, đồng nghĩa với việc quyết định của bạn không còn đơn phương và đơn giản như trên kia nữa. Cứ xem thôi! Không. Bạn lên mạng, vô tình lướt trúng một bài viết, một comment nói về việc phim này chuyển thể từ sách và nó tệ như thế nào, không trung thành với tư liệu gốc ra sao. Thậm chí, khi một bộ phim còn chưa ra mắt, đã có những dự đoán bi quan rằng phim sẽ không bao giờ được như sách. Khả năng bạn tận hưởng bộ phim sụt giảm rất nhiều.
Phim chuyển thể sẽ không bao giờ hay như sách, sát với sách, thấu đáo như sách. Đúng. Nhưng có gì to tát chứ? Chúng ta đang đưa ra những nhận xét hiển nhiên nhưng đồng thời cũng không công bằng khi dùng nó để đánh giá về một tác phẩm được truyền tải bằng phương tiện hoàn toàn khác với nhiều giới hạn rõ ràng.
Thứ nhất, những con chữ trên giấy đương nhiên có nhiều lợi thế hơn cách truyền tải bằng hình ảnh động, tức là một bộ phim (motion pictures). Con chữ được tự do bay bổng, đẩy đổ được mọi giới hạn vì cơ bản nếu muốn một con đường với đầy những tòa cao ốc bị gập lại, cuộn thành cái bánh vòng, tác giả chỉ cần viết ra. Đối với một bộ phim, để thể hiện trên màn ảnh một con phố với đầy những tòa cao ốc đang gập lại, cuộn thành cái bánh vòng, đoàn phim sẽ phải thuê một hoặc nhiều họa sĩ vẽ ra concept, sau đó là công đoạn CGI và tất cả được tính bằng hàng chồng hóa đơn.
Thứ hai, điều mà ai cũng biết đó là thời lượng. Nếu tác giả viết sách, họ muốn nhân vật trải qua đầy đủ 81 kiếp nạn thì cứ làm. Có rất nhiều giấy trên thế giới và quyển sách của họ không thể tiêu diệt một cánh rừng. Nhưng để chuyển thể 81 kiếp nạn ấy lên một phim điện ảnh hay series truyền hình 24 tập? E rằng một kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng chuyển thể thành một phim điện ảnh dài 3 tiếng chưa chắc miêu tả đầy đủ tình tiết như trong truyện.
Thứ 3, rất khó truyền tải cảm xúc miêu tả trong sách đến khán giả, cho dù diễn viên có hiểu câu chuyện và tài ba đến thế nào, cho dù biên kịch có thấu đáo đến đâu. Chúng ta có thể nước mắt ngắn nước mắt dài thương cảm cho nỗi cô đơn lẻ loi của nhân vật, nhưng cảm xúc sẽ không vẹn nguyên như thế nếu chuyển thành phim. Có lẽ sẽ vẫn có người khóc, nhưng sẽ có người cảm thấy màn trình diễn trước mặt thật chỉ bằng 1/10,000 sách gốc. Trong sách, tác giả muốn moi móc đến tận cùng ngóc ngách tâm hồn nhân vật sao cũng được, nhưng đối với phương tiện truyền tải của phim ảnh, những thứ tinh tế thể hiện bằng con chữ sẽ được kể theo một cách khác.
Tóm lại, phim có nhiều bất lợi hơn sách. Trong thế giới tư bản mọi thứ đều được chuyển thành con số thì vấn đề là phải làm sao cho hiệu quả. Thời lượng phim khiến nó không có được nhiều suất trong rạp và ngốn chi phí sản xuất là điều khiến một quyển sách sẽ bị cắt xén thê thảm nếu chuyển thể thành phim và ta không thể cãi cọ gì điều đó.
Nếu bạn là người đã đọc sách trước khi có phim
Điều tôi muốn nói ở đây đó là chúng ta hãy có những kỳ vọng hợp lý. Rằng trí tưởng tượng của mỗi người đều rất độc đáo, khi đọc một quyển sách 10.000 độc giả có 14395846 cách hình dung khác nhau về một cảnh truyện, làm thế nào nhà sản xuất có thể chiều hết 93584396 số đó? Bạn có thể chọn cách không bao giờ xem phim, điều đó ổn thôi, phần còn lại của thế giới sẽ cho bộ phim một cơ hội. Mà phần còn lại đó là những người chưa kịp đọc sách trước khi ra phim, điều mà tôi đề cập tiếp theo đây.
Nếu bạn chưa đọc sách, có nên đọc trước khi xem phim?
Bạn muốn làm theo thứ tự nào cũng được. Thật sự, nếu là một người đủ khách quan thì xem phim trước hay đọc sách trước không hề quan trọng. Nhưng nếu bạn vẫn bối rối không thể đưa ra quyết định thì tôi xin nói ý kiến riêng của mình, đó là nên xem phim trước, để có thể đánh giá bộ phim là một tác phẩm độc lập. Một bộ phim chuyển thể dù tốt hay tệ cũng không ảnh hưởng tác phẩm sách.
Andrzej Sapkowski, tác giả The Witcher hay nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là những người đối xử với phim chuyển thể từ tác phẩm của mình như thế. Một cách hài hước lẫn chân thật, Sapkowski trả lời trong một phỏng vấn rằng sách của ông đương nhiên là hay rồi và luôn điệu nghệ luồn lách những câu hỏi về ý kiến của ông đối với game và series The Witcher bằng cách trả lời thấu tình đạt lý hoặc mỉa mai. Còn Nguyễn Ngọc Tư, theo lời kể của diễn viên Hạnh Thúy – người nhiều lần chuyển thể tác phẩm của chị Tư lên sân khấu kịch đã nhiều lần gửi kịch bản cho nhà văn đọc thử nhưng đều bị từ chối, bởi vì “Đây đã là tác phẩm của bạn, không phải của tôi”.
Đánh giá một bộ phim hay series với tư cách là tác phẩm độc lập không hẳn là việc dễ làm. Team Gấu Mèo chúng tôi cũng đã từng rất phẫn nộ với The Witcher mùa 2 và còn liệt kê ra những chi tiết đi chệch nguyên tác của nó. Thế nhưng, sau hai năm với nhiều thay đổi, chúng tôi chấp nhận rằng The Witcher của Netflix là một thế giới khác. Tôi chọn không theo dõi nó tiếp vì dù đánh giá một cách độc lập, đó vẫn là một series fantasy bình thường không thuộc danh sách ưu tiên xem của tôi, nhất là sắp tới lại còn vắng bóng Henry Cavill.
Nhiều người đã chia sẻ về việc xem phim khi chưa đọc sách và có trải nghiệm tốt về nó. Như blogger về sách Janssen Bradshaw từng kể cô rất thích bộ phim To All the Boys I’ve Loved Before khi xem mà chưa đọc quyển sách chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Jenny Han. Sau đó khoảng một năm cô mới đọc sách và xem lại bộ phim, dù lúc này không còn thấy hay nữa nhưng chí ít lần đầu trải nghiệm phim của cô đã rất vui. Bản thân tôi cũng đã xem nhiều phim trước khi đọc sách gốc và cảm thấy đó là cách tốt hơn là đọc sách rồi xem.
Những bộ phim cũng cần một cơ hội
Bài viết này còn nhằm mục đích giảm tải những cơn trào ngược dạ dày không đáng có của khán giả yêu tiểu thuyết. Chúng ta đang sống trong thế giới có quá nhiều cực đoan và xét nét, thế nên hãy tìm một điểm cân bằng. Một dự án phim cũng là tình yêu, công sức của đông đảo những người lao động nghệ thuật và nếu như bạn đóng sầm cánh cửa phía mình lại, 100% bạn sẽ chẳng biết bên kia có gì tốt đẹp trình bày cho bạn. Nếu cho nó cơ hội, khả năng 50-50 bạn sẽ có trải nghiệm tuyệt vời hoặc địa ngục, nhưng ít ra bạn đã thử.
Năm nay tôi được xem một phim chuyển thể rất tốt đó là Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Ông đã có những bổ sung hợp lý lối văn trừu tượng, mang tính gợi nhắc chứ không đi vào chi tiết của Nguyễn Ngọc Tư, khiến nhân vật và câu chuyện đậm đà hơn. Đối với tôi, Tro Tàn Rực Rỡ là ví dụ tốt về phim chuyển thể văn học. Nếu chỉ vì đã đọc văn của chị Tư rồi nghĩ khó chuyển thể lắm, phim sẽ không làm tốt được, chắc tôi đã bỏ qua bộ phim Việt hay hiếm hoi của năm vừa qua.
Cũng phải nói thêm, ‘sách hay hơn phim’ không phải lúc nào cũng là câu khẳng định đúng. Nếu bạn chưa biết, Forrest Gump (1994) cũng chuyển thể từ sách và đó là một tiểu thuyết tệ.
Về phía nhà làm phim
Tuy nhiên, ngay cả những lý lẽ tôi vừa nêu cũng cần cân bằng lại. Lý do vì sao một tiểu thuyết được chọn làm thành phim? Lượng người hâm mộ, mức độ đáng quan tâm của quyển sách ấy là một trong những yếu tố quyết định. Thế nên trong quá trình chuyển thể, biên kịch nói riêng hay đội ngũ sản xuất nói chung phải tôn trọng nguyên tác và độc giả. Dù biết fan nguyên tác là những người khó tính, nhưng ít nhất hãy cho họ thấy sự cố gắng thay vì nhổ thẳng vào mặt họ những thay đổi vô nghĩa không giúp ích cho cốt truyện.
Như đã đề cập ở trên, việc chuyển thể 100% trung thành sẽ rất khó do những hạn chế kỹ thuật, thời lượng, thậm chí thị hiếu. Nhận thức được điều đó, nhà làm phim cần cố hết sức để thể hiện mình quan tâm tới tư liệu gốc chứ không phải mua bản quyền rồi muốn làm gì thì làm, thay đổi vô tội vạ. Nhà làm phim chỉ nên thay đổi nội dung, tình tiết câu chuyện khi việc trung thành với nó là bất khả và những thay đổi cần có chừng mực, không ảnh hưởng đến tinh thần cốt lõi của nhân vật và câu chuyện.
Ví dụ, phim điện ảnh Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát (2022) là một nỗ lực chuyển thể đáng trân trọng. Mặc dù phim cắt đi hầu hết quãng thời gian rơi nước mắt nhất của nhân vật chính và phim có một kịch bản tàm tàm tập trung vào vụ án, khán giả cũng hiểu được lý do vì sao họ phải làm như thế (thời lượng phim).
Kết
Việc chuyển thể tôn trọng nguyên tác không thể hiện sự kém sáng tạo, nó không có nghĩa là biên kịch và đạo diễn chỉ cần bên từng câu trong sách ra thành khung hình. Cơ bản ở đây cần có sự tôn trọng và cân bằng giữa hai bên nhà sản xuất và khán giả. Ở đây, tôi vẫn nghiêng phần trách nhiệm về phía nhà làm phim hơn bởi họ đứng ở vị trí am hiểu và thu lợi, tôn trọng khán giả là điều đương nhiên.